Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm - chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư 267 tỷ đồng được khởi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2026 khiến dư luận quan tâm bởi những ồn ào vụ trùng tu Chùa Cầu vừa mới đây.
Cần làm rõ trùng tu nên nền “mới” hay phục hồi cái cũ
UBND huyện Chương Mỹ vừa tổ chức khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian và xây dựng Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư gần 267 tỷ đồng.
|
Gác chuông chùa Trăm Gian - Ảnh: Phạm Lự/Văn hóa Nghệ thuật. |
Việc tu bổ, tôn tạo Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian và xây dựng Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, việc trùng tu thế nào để thực sự mang lại hiệu quả, giữ được giá trị gốc về kiến trúc, thẩm mỹ là điều đang được dư luận quan tâm.
Bởi cụm di tích Quốc gia chùa Trầm và chùa Trăm Gian là những di tích có lịch sử lâu đời, là một trong những "Tứ đại danh thắng của xứ Đoài" xưa. Chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) còn có tên gọi là Long Tiên Tự, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669). Ngôi chùa có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ... mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ.
Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương) có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự”. Theo truyền thuyết, chùa Trăm Gian có từ thời Lý Cao Tông (1185). Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, đến nay chùa chủ yếu mang phong cách kiến trúc thời Lê - Nguyễn nhưng vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Trần.
Ngoài ra, sau những ồn ào liên quan đến việc trùng tu chùa Cầu (Hội An) thời gian vừa qua, vấn đề trùng tu di tích bài bản, khoa học, tuân thủ đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các công ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia là vấn đề cấp thiết đặt ra.
|
PGS.TS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, việc trùng tu di tích là cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bởi các di sản kiến trúc của chúng ta thường làm bằng gỗ, ngói… Qua thời gian hàng trăm năm sẽ bị xuống cấp, hư hỏng. Chúng ta cũng từng có nhiều kinh nghiệm về việc này.
Tuy nhiên, làm thế nào để trùng tu có hiệu quả, không làm mất đi giá trị của di sản vẫn là vấn đề phải làm kỹ lưỡng, thận trọng. Đặc biệt là với chùa Trăm Gian, giai đoạn từ năm 2012 - 2015 sư trụ trì đã tự đứng ra tiến hành sửa chữa gây xôn xao dư luận. Vậy giờ trùng tu chùa Trăm Gian cần có sự tham gia, đánh giá kỹ lưỡng của các chuyên gia, nhà chuyên môn.
Theo đó, cần xem xét chùa Trăm Gian sau khi tu sửa bởi người không có chuyên môn thì đã có khác biệt gì so với chùa Trăm Gian trước đây. Khi chúng ta trùng tu chùa Trăm Gian thì trùng tu, bảo tồn, tôn tạo cái gì? Hay là khôi phục lại chùa như trước đây? Tất cả cần phải làm sáng tỏ.
“Khi chúng ta hạ giải thì hạ giải cái gì, có phải hạ giải cái đã được làm mới cách đây đây chục năm? Riêng về chùa Trăm Gian từng có một biến cố như vậy, nên cần thận trọng. Nếu chúng ta khôi phục thì có tài liệu không, có căn cứ không? Nếu không sẽ rơi vào làm mới di tích.
“Tôi cho rằng, cần phải công bố bản gốc và nêu rõ hạng mục tu bổ, tôn tạo kèm lý do cụ thể. Điều này còn tránh cả việc tham nhũng. Bởi trước đây, do xuống cấp, trụ trì chùa đã tự sửa chữa. Giờ không phải vì lý do xuống cấp, thì vì lý do gì, có phải hồi phục lại giá trị di tích không…?”, ông Đức nói.
Tránh “hiện đại hóa” di tích lịch sử
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc cần thiết của việc trùng tu di tích. Tuy nhiên, đã có không ít công trình sau trùng tu đã dẫn tới việc bị "hiện đại hóa” di tích lịch sử văn hóa. Vì vậy, khi tu bổ, tôn tạo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc đã được đề ra.
“Muốn làm được điều đó thì người làm công tác trùng tu cần phải có kỹ năng, kỹ thuật, trình độ. Nước ta có hàng nghìn di tích lịch sử, nhưng việc đào tạo về công tác trùng tu, tu bổ lại đang rất thiếu và chưa được chỉn chu”, ông Đức nói.
|
Trùng tu chùa Cầu. Ảnh: NVCC. |
Theo ông Đức, về nguyên tắc, khi trùng tu vẫn phải cố gắng làm sao giữ được giá trị gốc của di tích và tránh việc “làm mới”. Tuy nhiên, việc trùng tu di tích có thể bằng những vật liệu, chất liệu mới. Chất liệu mới có thể không giống như chất liệu trước đây vì công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại khác nhau. Nhưng cái mới này, sau một thời gian nhất định sẽ cũ đi. Cho nên, khó có thể đảm bảo yêu cầu ngay sau trùng tu di tích giữ nguyên được màu thời gian.
Ngoài ra, theo ông Đức, cũng cần phải lưu ý tới việc tránh tiêu cực trong quá trình trùng tu, lợi dụng việc đầu tư trùng tu để tham nhũng, gây lãng phí.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Lâm Biền cho biết, khi Cục Di sản và Sở Văn hóa đã thực hiện với sự thẩm tra, thỏa thuận gồm những bộ phận chuyên môn sâu thì sẽ tránh được những sai sót, sai lầm. “Còn những sai sót xảy ra bất khả kháng thì thực ra cũng không ai mong muốn”, ông Biền nói.
Sau khi tu bổ, hình ảnh chùa Cầu khoác lên mình tấm áo mới và lập tức thành chủ đề gây tranh cãi giữa 2 luồng dư luận. Trong đó, có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, Chùa Cầu từ một công trình hơn 400 năm tuổi đã trở thành công trình “1 tuổi”.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác trùng tu di tích Chùa Cầu đã được thực hiện rất bài bản, khoa học, tuân thủ đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các công ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia. Dự án này lại có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các chuyên gia Nhật Bản, một trong các cường quốc về trùng tu kiến trúc gỗ. Kết quả trùng tu cũng rất tốt.
TS Phan Thanh Hải cho hay, hiện nay, trên thế giới có nhiều trường phái, nhiều quan điểm khác nhau về trùng tu di tích, mục đích cuối cùng vẫn là phục hồi công trình với tất cả những giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật... mà nó vốn có.
Ở Nhật Bản, hầu hết các công trình sau khi được trùng tu thì đều có vẻ mới nguyên như vừa được xây dựng. Tuy nhiên, dư luận không ai có ý kiến về việc công trình có vẻ “mới”. Họ chỉ quan tâm đến việc trùng tu có đảm bảo đúng chất lượng, đúng quy trình, đúng công nghệ, kỹ thuật truyền thống hay không.
“Có lẽ do hầu hết người Nhật đã được trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn và cả sự điềm tĩnh, khách quan khi nhìn nhận, đánh giá các sự việc. Tuy nhiên, điều quan trọng then chốt vẫn phải là chất lượng trùng tu công trình. Công trình trùng tu đúng chất lượng, cộng thêm sự hiểu biết của công chúng, thì sẽ không gây nên những phản ứng dữ dội”, ông Hải nói.