<div> <p>Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 thị trường nhập khẩu sắt thép Việt Nam lớn nhất trong 8 tháng qua, Trung Quốc và Thái Lan ghi nhận tăng trưởng vượt bậc.</p> <p>Sản lượng sắt thép xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,07 triệu tấn, tăng hơn 19 lần so với cùng kỳ. Thị trường Thái Lan cũng tăng mạnh 89,5%, đạt 469 nghìn tấn.</p> <p>Trong khi đó, Malaysia và Campuchia lần lượt giảm 19% và 10,8% lượng sắt thép nhập khẩu từ Việt Nam.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Trung Quoc tang mua sat thep Viet Nam gap 19 lan anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/22/76/znews-photo-zadn-vn_thep_zing_1.jpg" title="Trung Quốc tăng mua sắt thép Việt Nam gấp 19 lần ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Trung Quốc và Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam. Ảnh: <em>Hoàng Hà.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tính chung toàn ngành, xuất khẩu mặt hàng này đạt 5,96 triệu tấn, tương đương <abbr class="rate-usd">3,11 tỷ USD</abbr> trong 8 tháng đầu năm. Sản lượng và giá trị tăng tương ứng 36,8% và 9,6% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 8, trị giá xuất khẩu sắt thép đạt <abbr class="rate-usd">578 triệu USD</abbr>, tăng 29,2%.</p> <p>Ở chiều ngược lại, nhập khẩu giảm 3,1% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2019, lần lượt đạt mức 9,35 triệu tấn và <abbr class="rate-usd">5,43 tỷ USD</abbr>.</p> <p>Dựa trên số liệu 3 năm gần nhất, Việt Nam đang dần giảm nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc, trong khi gia tăng lượng hàng từ Ấn Độ.</p> <p>Dù Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cung cấp sắt thép các loại cho Việt Nam, nhưng sản lượng nhập khẩu từ nước này đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, lượng sắt thép từ Ấn Độ về Việt Nam đã tăng gấp 4,5 lần.</p> </div>