Tuyến vận tải đường biển này đi vào hoạt động sẽ có thêm phương án để nông sản, hàng hóa của Việt Nam có thể dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc hơn.
Hiện Trung Quốc đang là điểm đến chủ yếu của trái cây xuất khẩu từ ASEAN. Số liệu của Phòng Thương mại Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu 6,83 triệu tấn trái cây năm 2019, tăng 24% so với năm trước đó, đạt giá trị 9,5 tỷ USD, tăng 25%.
Tuy nhiên, do đặc thù địa lý, trái cây xuất khẩu của ASEAN chủ yếu chỉ dừng tại các thị trường giáp biên với Việt Nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam và Hải Nam.
Nhờ tuyến vận tải đường biển mới, rất nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam có thể được chuyển từ TPHCM tới Đại Liên chỉ trong 7 ngày, ngắn hơn từ 3 - 5 ngày so với những tuyến đường ở Đông Nam Á khác tới cảng Đại Liên, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển trái cây.
Công ty Zhonghai Santiago đã thực hiện chuyến hàng đầu tiên trên tuyến đường mới, chuyển 565 tấn thanh long từ Việt Nam. Số hàng này đã được phân phối cho các siêu thị lớn ở Đại Liên và các tỉnh lân cận trong vòng 24 giờ sau khi được bốc dỡ.
Tuyến đường mới không những giúp giảm chi phí cho các nhà sản xuất mà còn làm gia tăng sự tiếp cận của khách hàng đối với trái cây tươi hơn, có chất lượng cao hơn.
Tuyến vận chuyển trái cây với thời gian được rút ngắn sẽ giúp thắt chặt thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, làm tăng thêm sự phát triển của các doanh nghiệp khác dọc theo tuyến đường Đông Nam Á.