Quy mô thị trường ngày càng lớn, đã đến điểm bùng nổ
Khi 6 nhân viên của Musiness - một nền tảng về bản quyền âm nhạc thương mại tại Thượng Hải, thay phiên nhau hướng dẫn và trả lời câu hỏi của khách hàng thông qua tài khoản mạng xã hội của công ty, không ai nghĩ họ là người ảo.
Một “cô gái” có mái tóc nâu, da trắng, mặc áo yếm đen tên là Metamuse trở thành đại diện thường xuyên của Musiness.
Metamuse xuất hiện từ cuối năm ngoái, không chỉ đại diện cho công ty với tư cách giám đốc dịch vụ khách hàng, “cô” còn được biết đến với vai trò như một ca sĩ khi có thể khiến người dùng đắm chìm trong những giai điệu như Gongxi Gongxi, một bài hát truyền thống của Trung Quốc mừng Tết Nguyên đán.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Tong Xiaoyan đã biến Metamuse thành người ảo. Vì bà tin rằng các khái niệm liên quan đến Metaverse sẽ bùng nổ trong thời gian tới sau khi Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerburg đổi tên công ty thành Meta vào tháng 10 năm ngoái. Hơn nữa, người ảo có nguy cơ rủi ro thấp hơn nhiều so với những người nổi tiếng trong thế giới thực.
Kể từ năm ngoái, các thần tượng ảo đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc. Họ bao gồm nhân viên ảo Cui Xiaopan của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke và Ayayi, người có ảnh hưởng ảo đầu tiên của Trung Quốc đã ra mắt trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu.
Một “người” nổi tiếng khác ở Hồng Kông là MonoC, một nghệ sĩ ảo đã bán tác phẩm nghệ thuật NFT của mình qua Phillips với giá 189.000 đô la Hồng Kông (24.146 USD) vào tháng trước.
Theo một báo cáo gần đây của iiMedia, quy mô thị trường của người ảo là khoảng 107,5 tỷ nhân dân tệ (16,9 tỷ USD) vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 333,5 tỷ nhân dân tệ (52,4 tỷ USD) vào năm 2023, xu hướng tăng này tỷ lệ thuận với sự tinh vi của các công nghệ liên quan và sự chấp nhận của người tiêu dùng ngày một rộng rãi hơn.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của iiMedia về quy mô thị trường người ảo của Trung Quốc từ 2017 - 2023. Đồ họa: SCMP
Theo James Cheng, Giám đốc Dự án cấp cao của lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ tại Công ty Tư vấn toàn cầu Roland Berger, việc tiếp nhận con người ảo trong môi trường xã hội và kinh doanh là một phần của thế hệ này.
Cheng lưu ý, những phát triển này hiện đã đến "điểm bùng nổ", điều mà các công ty công nghệ Trung Quốc đã chờ đợi kể từ khi họ bắt đầu tích lũy các công nghệ liên quan đến con người ảo cách đây hai hoặc ba năm.
Các công ty Công nghệ lớn của Trung Quốc bao gồm Công ty Thương mại điện tử Alibaba Group Holding, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm internet Baidu và chủ sở hữu TikTok ByteDance đều đã nhảy vào cuộc, cố gắng đưa người ảo vào mô hình kinh doanh của riêng họ .
Alibaba, chủ sở hữu của South China Morning Post đã cung cấp dịch vụ tùy biến con người ảo của mình cho các thương gia vào năm 2021, cho phép các thương hiệu như Little Ondine của Yatsen Global tiếp tục phát trực tiếp cho người dùng khi những người thật của họ ngừng hoạt động.
Việc phát triển người ảo cũng nhận được sự ủng hộ từ chính quyền Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã khuyến khích Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, cơ quan giám sát truyền thông của nước này, thúc đẩy việc sử dụng người ảo trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của mình.
Tham vọng “hao tiền tốn của”
Người ảo hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia lĩnh vực này, bởi họ cần phải đầu tư lớn nhưng chưa chắc thu về kết quả như mong đợi.
Việc tạo ra một người ảo rất tốn kém. Liang Zikang, CEO của Chuangyi Technology cho biết, chi phí cho mỗi giây video với thần tượng ảo của họ tương đương với 2 - 3g vàng, đây thực sự là một rào cản gia nhập với các doanh nghiệp nhỏ.
Theo bà Xiaoyan, cuộc đua người ảo hiện là trò chơi đốt tiền. "Chúng tôi đã đầu tư hơn một triệu nhân dân tệ (150.000 USD) vào Metamuse, nhưng vẫn chưa thu được gì. Về cơ bản, cuộc chơi vẫn dành cho kẻ lắm tiền và xác định không cần lợi nhuận" - bà Xiaoyan nói.
Li Shiyan, đứng đầu Phòng Thí nghiệm tương tác người - máy của Baidu Cloud, nói công nghệ xây dựng người ảo hiện vẫn còn sơ khai. "Khi nói đến sản xuất hàng loạt, vẫn còn đó những câu hỏi về rào cản công nghệ, thời gian và chi phí. Vấn đề có thể được giải quyết phần nào bằng AI, nhưng chưa thể đẩy nhanh tiến độ" - Shiyan cho biết.
Với chi phí lớn, một số doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung cho những người ảo nhất định thay vì phát triển tràn lan.
Tháng 12 năm ngoái, StarHeir nhận được khoản đầu tư trị giá 1,57 triệu USD từ hãng game NetEase. Tuy nhiên, công ty này chỉ có kế hoạch phát triển 15 thần tượng ảo ở Trung Quốc và 15 nhân vật khác cho thị trường nước ngoài.
Hiện tại, một trong những cách phổ biến nhất để người ảo kiếm tiền là để họ làm đại diện thương hiệu và xuất hiện trong các quảng cáo, tương tự người nổi tiếng.
Chẳng hạn, 5 thần tượng ảo của StarHeir đã hợp tác với chuỗi cửa hàng DFS, công ty âm thanh Sennheiser (Đức) và thương hiệu mỹ phẩm Clarins (Pháp) để quảng bá sản phẩm…
Tuy nhiên, để tiến đến thay thế con người thật thì cuộc đua “đốt tiền” này vẫn chưa có hồi kết.
Công ty dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista (Đức) ước tính thị trường toàn cầu của lĩnh vực tương tác thực tế ảo (AR) và thực tế ảo (VR) đạt được 30,7 tỷ USD vào năm ngoái và sẽ tăng từng năm trước khi đạt mốc gần 300 tỷ USD vào năm 2024.
Hiện Trung Quốc là một trong những nước đi tiên phong phát triển người ảo với tham vọng tiến vào metaverse.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là một quốc gia phát triển rất mạnh trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên việc gia nhập vào thị trường là vô cùng khó khăn, do đây vẫn đang được coi là cuộc chơi của những “gã khổng lồ” công nghệ, khi “đốt tiền” mà chưa cần hiệu quả ngay lập tức.