Trực thuộc Lực lượng Hàng không Hải quân - Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Nam của PLA, một trung đoàn không quân hải quân có căn cứ tại tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập, sử dụng các loại bom nổ trên mặt nước và thủy lôi đáy biển.
Một phi đội máy bay ném bom đã cất cánh vào ban đêm, hình thành các biên đội chiến đấu trên không, bay đến khu vực thao trường biển vào rạng sáng trong điều kiện thời tiết phức tạp, mây dày đặc. Đầu tiên máy bay ném bom thả thủy lôi, sau đó thực hành ném bom vào các mục tiêu kẻ thù giả định.
Sau đợt không kích đầu tiên, các máy bay ném bom quay về căn cứ, thực hiện công tác kiểm tra kỹ thuật kỹ lưỡng, nhận bom đạn và nhiên liệu, sau đó xuất kích cho đợt không kích thứ hai.
Cuộc diễn tập cho thấy H-6J vẫn duy trì khả năng ném bom truyền thống của mình, mặc dù máy bay vẫn được trang bị tên lửa chống hạm YJ-12 và tên lửa hành trình tấn công đất liền.
Theo các nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, bom mặt nước có hiệu quả tấn công cao hơn và rẻ hơn tên lửa, đặc biệt thuận lợi khi máy bay ném bom không bị đe dọa bởi hỏa lực phòng không thù địch.
Bài diễn tập được thực hiện khi không quân tiêm kích chiếm được ưu thế trên không và tiêu diệt hỏa lực phòng không, đặc biệt là trên vùng nước cửa ngõ lục địa Trung Quốc như Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Trong tình hình gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan, những cuộc diễn tập của Hải quân Trung Quốc (PLAN) đóng vai trò như một biện pháp răn đe nhằm gửi một tín hiệu rõ ràng đến các thế lực nước ngoài.
Máy bay ném bom tấn công H-6J của Hải quân Trung Quốc
Xian H-6 (Hồng-6) là phiên bản sản xuất theo giấy phép của máy bay ném bom phản lực hai động cơ Tupolev Tu-16 Liên Xô cho Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF).
Các biến thể ban đầu của H-6 ban đầu - một máy bay ném bom tự do được phát triển thành máy bay ném bom hạt nhân H-6A, máy bay trinh sát H-6B, máy bay ném bom thông thường H-6A, máy bay mang tên lửa chống hạm H-6D (ASM), Máy bay mang vũ khí hạt nhân H-6E và máy bay tiếp dầu tầm trung HY-6.
Liên Xô đã chuyển giao Tu-16 cho Trung Quốc bắt đầu vào năm 1958, giấy phép sản xuất được Trung Quốc ký kết Liên Xô cuối những năm 1950.
Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An (XAC) đã sản xuất máy bay tại Tây An, mang tên gọi “H-6”; chiếc đầu tiên cất cánh năm 1959.
Đến tháng 11/2020, PLAAF có 231 chiếc H-6. Máy bay này được sử dụng để thả thử nghiệm 9 vũ khí hạt nhân tại Lop Nur, được gọi là bãi thử nghiệm hạt nhân Luozhong.
Các máy bay H-6J sẽ thay thế máy bay ném bom chiến trường hàng hải H-6G, loại máy bay được đưa vào trang bị cho Hải quân Trung Quốc đầu những năm 1990.
H-6J có thể mang tới 7 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm (ASCM) YJ-12, 6 tên lửa trên các giá treo cánh và 1 tên lửa trong khoang chứa bom.
So với biến thể cũ hơn, H-6J có thể mang số lượng tên lửa chống hạm gấp 3 lần, trên độ cao tác chiến hiệu quả 3.500 km, bán kính chiến đấu tăng lên khoảng 50% với hiệu suất tương đương H-6K.
Nâng cấp máy bay ném bom lên chuẩn H-6J đòi hỏi phải lắp khung máy bay hoàn toàn mới, sử dụng vật liệu tổng hợp trọng lượng nhẹ, động cơ turbo tăng áp D-30-KP2 mới tiết kiệm nhiên liệu, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và buồng lái bằng kính hoàn toàn.
Máy bay ném bom H-6J được trang bị radar tìm kiếm bề mặt tầm xa mới và một thiết bị quang điện tử nhắm mục tiêu. Hạm đội Nam Hải của PLA hiện đang biên chế một trung đoàn H-6G khoảng 14-18 chiếc, trong tương lai gần sẽ được thay thế bằng H-6J.