<div> <p>Bắc Kinh hôm nay tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ, sau khi thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vào Mỹ được nâng từ 10% lên 25% trưa nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc ăn miếng trả miếng bằng đòn thuế tương tự là khó xảy ra.</p> <p>Brad Setser - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách nâng thuế nhập khẩu đồng loạt với hàng hóa Mỹ lên 25%. Tuy nhiên, nhiều hàng hóa Mỹ lại được sử dụng trong hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Vì thế, trong nhiều trường hợp, họ sẽ là bên trực tiếp chịu thiệt hại".</p> <p>Theo <em>Bloomberg</em>, Trung Quốc có thể sẽ trả đũa Mỹ bằng các vũ khí dưới đây:</p> <p>1. Phá giá đồng Nhân dân tệ</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Đồng NDT của Trung Quốc và USD của Mỹ. Ảnh: Reuters" src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/10/ndt-usd-9487-1557480062.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Đồng NDT của Trung Quốc và USD của Mỹ. Ảnh: <em>Reuters</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể phá giá đồng NDT để bù lại ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Mỹ lên nền kinh tế. Năm ngoái, giá NDT trên thị trường quốc tế mất 5,5% so với đôla Mỹ. Việc này khiến ông Trump rất bất mãn, đồng thời thổi bùng lên đồn đoán Trung Quốc cố tình khiến nội tệ yếu đi.</p> <p>Tuần này, NDT đã giảm 1,3% so với USD. Dù vậy, đồng tiền này hôm nay tăng trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thiết lập giá NDT mạnh hơn dự báo trong tỷ giá tham chiếu theo ngày.</p> <p>Tuy nhiên, Trung Quốc từng nếm trái đắng khi hạ giá NDT năm 2015, khiến dòng vốn ồ ạt rút khỏi thị trường này. Tao Wang - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại UBS Group cho rằng Trung Quốc khó có khả năng lặp lại động thái này: "Trung Quốc không muốn dòng vốn lại rút ra lần nữa vì hạ giá nội tệ đâu. Việc này sẽ khiến niềm tin trong nước suy giảm. Bên cạnh đó, năm ngoái, chính việc NDT yếu đi khiến chính quyền Trump nổi giận và áp thuế nhập khẩu".</p> <p>Tiền tệ cũng là một vấn đề quan trọng trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Phía Mỹ vẫn muốn buộc Trung Quốc bình ổn đồng tiền này, <em>Bloomberg</em> trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.</p> <p>2. Bán trái phiếu Chính phủ Mỹ</p> <p>Trung Quốc hiện sở hữu 1.100 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nước này. Đây có thể là một vũ khí lợi hại của Bắc Kinh. Năm ngoái, thị trường trái phiếu đã chao đảo sau thông tin quan chức Trung Quốc đề xuất giảm hoặc ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ.</p> <p>Tuy nhiên, Trung Quốc không thực sự có kênh đầu tư nào khác tốt hơn với 3.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Ed Al-Hussainy tại Columbia Threadneedle Investments cho biết. Bên cạnh đó, nếu bán trái phiếu Mỹ, giá sẽ giảm, lợi suất sẽ tăng, đẩy giá trị tất cả trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ xuống.</p> <p>"Bất kỳ động thái nào khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên đều có tác động tiêu cực đến số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc hiện nắm giữ, đồng thời kéo giá USD lên. Sự bất ổn về tài chính và ngoại hối của chính sách này có thể lấn át lợi ích mà Trung Quốc có được", Ed Al-Hussainy nhận định.</p> <p>3. Ngừng mua đậu tương</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Đậu tương trong một trang trại tại Illinois (Mỹ). Ảnh: Reuters" src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/10/soya-9250-1557480062.png" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Đậu tương trong một trang trại tại Illinois (Mỹ). Ảnh: <em style="margin:0px;padding:0px;color:rgb(51,51,51);">Reuters</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trung Quốc hiện là nước mua đậu tương lớn nhất của Mỹ. Hàng hóa này hiện đã bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 25%. Đậu tương Mỹ phần lớn trồng ở các bang nông thôn Mỹ đã ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Vì thế, việc này rất quan trọng với ông.</p> <p>Setser cho rằng hạ giá NDT hay bán trái phiếu chính phủ Mỹ là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, ngừng mua đậu tương lại là động thái khá dễ dàng và hoàn toàn có thể được Trung Quốc sử dụng.</p> <p><em>(theo Bloomberg)</em></p> </div> <p> </p>