“Trùm” cờ bạc nghìn tỷ Điền 'Khều' được xác định bị tâm thần
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Nguyễn Văn Điền ((có biệt danh là Điền “Khều”, 47 tuổi, quê Hải Phòng) và 14 đồng phạm về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Điền là đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc với quy mô lớn, số tiền đánh bạc khoảng 2.150 tỷ đồng được Bộ Công an triệt phá vào tháng 12/2021.
Kết quả giám định tâm thần cho rằng bị can Điền hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. |
Theo kết luận điều tra, từ đầu năm 2020, Điền lấy tài khoản tổng trên trang web cá cược Bong88.com (cấp master) từ một người tên Khang (chưa rõ lai lịch) rồi chia ra nhiều tài khoản khác nhau để giao cho các đại lý cấp dưới và con bạc đánh bạc với hình thức cá độ bóng đá.
Ngày 20/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp các lực lượng liên quan bắt quả tang Nguyễn Văn Dương (SN 1997, trú tại Hải Phòng, cháu của Điền) đang tính toán cộng số tiền thắng thua thu từ hoạt động tổ chức đánh bạc trên mạng Internet với hình thức cá độ bóng đá cho Điền. Cùng thời điểm này, Công an cũng ập vào nhiều điểm khác, bắt giữ Điền cùng nhiều người khác.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng thu giữ khẩu súng CZ75 do Phan Minh Hùng mua từ Campuchia về giao Nguyễn Tấn Phương, Nguyễn Phan Quốc Duy và Nguyễn Nam cất giữ.
Quá trình điều tra, con gái của Điền có đơn đề nghị cơ quan công an xem xét giám định tâm thần đối với cha. VKSND TP HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP HCM xác định tiền án, tiền sự của một số bị can trong vụ án; thu thập kết luận giám định kỹ thuật đối với 3 điện thoại thu giữ của Điền và làm việc với Điền về nội dung trong điện thoại; thu thập kết luận giám định pháp y tâm thần của Điền...
Điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM nhận thấy nhiều nội dung tin nhắn, hình ảnh được trích xuất có liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc của bị can Điền. Trả lời các câu hỏi của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (có sự chứng kiến của luật sư), Điền tỏ ra không còn nhớ gì về những nội dung tin nhắn, cuộc gọi đến, cuộc gọi đi được trích xuất từ 3 điện thoại.
Theo kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM (Bộ Y tế), trước, trong và sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật từ đầu năm 2020 đến 20/12/2021, Điền “có bệnh rối loạn cảm xúc thực tổn/động kinh. Hiện tại Điền có bệnh quên phân ly/rối loạn cảm xúc thực tổn/động kinh”.
Trước, trong và sau khi phạm pháp, Điền hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện tại, Điền cũng ở trạng thái này. Ngày 23/9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM có văn bản đề nghị VKSND TPHCM xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Điền nhưng chưa có kết quả.
Bắt buộc chữa bệnh, sau khi khỏi bệnh thì sẽ tiếp tục xử lý hình sự
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi không có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng sau đó trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị can bị mất năng lực hành vi dân sự do mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác thì sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sau khi khỏi bệnh thì sẽ tiếp tục xử lý hình sự.
Trong vụ án nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều kiện hành vi chứ không hoàn toàn mất khả năng nhận thức nên đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi lượng hình do bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Còn tại thời điểm xét xử, kết quả giám định tâm thần cho thấy đối tượng này đã mất hẳn, không còn năng lực hành vi dân sự nên theo quy định của pháp luật, tòa án phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án và áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa khỏi bệnh sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng (viện kiểm sát hoặc toà án) căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể ra quyết định áp dụng đối với người thực hiện (trước, trong hoặc sau khi thực hiện) hành vi nguy hiểm cho xã hội khi không có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, tức là không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình và buộc phải chữa bệnh tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.
Pháp luật hình sự Việt Nam không quy định miễn trách nhiệm hình sự cho người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội mà sẽ áp dụng biện pháp tư pháp là bắt buộc chữa bệnh. Sau khi chữa khỏi bệnh sẽ tiếp tục áp dụng chế tài hình sự để xử lý đối với hành vi phạm tội trước đó.
Tuy nhiên, nếu nghi ngờ kết luận giám định pháp y là giả mạo hoặc không chính xác, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể tiến hành trưng cầu giám định pháp y lại để xác định chính xác tình trạng nhận thức, năng lực hành vi của bị can, bị cáo.
Trong thực tế, nhiều đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì rất tỉnh táo, minh mẫn, nhưng sau đó mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, không đủ điều kiện để xử lý bằng chế tài hình sự. Trong trường hợp này sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, nếu sau đó đối tượng khỏi bệnh, có khả năng nhận thức, khả năng cải tạo giáo dục thì mới tiếp tục áp dụng chế tài hình sự để đảm bảo hiệu quả của hình phạt.
>>> Mời độc giả xem thêm video Làm rõ trách nhiệm của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
|
Nguồn: PTQ