Cân nhắc và xem xét kỹ
Qua tìm hiểu thì một doanh nghiệp của Nhật Bản vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng huyện Lý Sơn về việc thông qua dự án phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn.
Doanh nghiệp này cũng sẽ mang đến Quảng Ngãi mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu Nhật Bản
tại Việt Nam. Nếu trồng tỏi voi thì người dân sẽ nâng cao ý thức phân loại rác thải để chế biến phân hữu cơ đạt chất lượng.
Tỏi voi Nhật Bản đang được đề xuất trồng tại Lý Sơn. Ảnh minh họa.
Theo lời giới thiệu của doanh nghiệp này, tỏi voi giống tỏi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và tốt cho sức khoẻ. 1kg tỏi voi ở Nhật Bản có trị giá khoảng 180.000đ/kg. Để sản xuất 100m2 tỏi voi thì cần khoảng 1 tấn phân bón hữu cơ, sản lượng đạt 4,5 tấn/ha.
Do đó, để sản xuất giống tỏi này đạt chất lượng thì cần chi phí lớn, đòi hỏi phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rác thải làm phân hữu cơ không có kim loại và chất độc.
Trao đổi với KH&ĐS, GS.TS Trần Đình Long, Hội Giống cây trồng Việt Nam cho hay, tỏi voi được trồng ở Nhật Bản và một số nước ôn đới. Tỏi này được sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó có sử dụng ngồng để chế biến món ăn.
Ở phương diện cây trồng, GS.TS Trần Đình Long cho rằng, việc đề xuất đưa vào trồng ở Lý Sơn là điều cần cân nhắc và xem xét kỹ, nhất là cần làm theo Pháp lệnh giống cây trồng. Đó là bước đầu cần trồng khảo nghiệm để xem xét về giống, canh tác… Sau đó, cần khảo nghiệm để xem xét tính khác biệt về hoạt tính, tính kháng sâu bệnh… Khi thấy tốt và phù hợp với các điều kiện về môi trường, xã hội, kinh tế, giống, thổ nhưỡng mới đưa vào trồng.
“Có thể tỏi voi trồng ở Nhật Bản là tốt nhưng khi sang nước ta, với điều kiện khí hậu, môi trường… các hoạt chất có thể thay đổi. Hoặc tùy vào điều kiện xã hội, việc trồng tỏi voi Nhật Bản ở nước ta có được phát triển hay không thì cần phải làm theo Luật”, GS.TS Trần Đình Long chia sẻ.
Giống cây chưa được làm rõ!
TS Nguyễn Như Hải, Trưởng phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt cho hay, vấn đề đưa tỏi voi Nhật Bản vào trồng ở Lý Sơn mới là đề xuất của doanh nghiệp dựa trên các khảo sát thực tế. Để có thể quyết định, hiện nay các đơn vị chức năng vẫn đang hoàn thiện các nghiên cứu cũng như cần các khảo nghiệm từ đó đưa ra những so sánh, đánh giá, tác động môi trường, sâu bệnh…
Đến nay, thực tế về giống cây này cũng chưa được làm rõ. Gọi là tỏi voi có thể do tỏi có sinh khối lớn nên được gọi như thế. Nhưng các đặc điểm giống cần xem xét cụ thể hơn.
TS Nguyễn Như Hải cũng cho biết, hiện vẫn có ý kiến hai chiều về việc có đưa toi voi Nhật Bản vào Lý Sơn hay không. Bởi Lý Sơn là vùng tỏi đặc sản của cả nước, lại là điểm xây dựng khu du lịch. Nên các nhà khoa học yêu cầu không nên đưa vào trồng vì sẽ phá vỡ môi trường, lợi thế tự nhiên… Nhưng các ý kiến khác lại cho rằng, vì tỏi voi có năng suất và giá trị cao nên đưa vào sẽ giúp bà con tăng thu nhập.
“Đến nay vẫn còn ý kiến hai chiều và chưa ngã ngũ việc có nên đưa tỏi voi Nhật Bản vào Lý Sơn trồng hay không. Nhưng chúng tôi đang tập hợp ý kiến cũng như tiến hành các khảo nghiệm để đánh giá các mặt một cách khách quan” – TS Nguyễn Như Hải.
Hiền Dung