Trồng cây ứng phó biến đổi khí hậu

(khoahocdoisong.vn) -  Vào năm 2030, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp nếu xu hướng phát triển tiếp tục như hiện tại, nhưng cây cối có thể ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng khí hậu này.

 Vào năm 2030, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp nếu xu hướng phát triển tiếp tục như hiện tại, nhưng cây cối có thể ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng khí hậu này.

Bà Trần Lệ Thùy, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển cho biết, các nhà khoa học đưa ra phân tích mới cho thấy, nếu tăng thêm gần 1 tỷ ha rừng có thể loại bỏ 2/3 trong khoảng 300 gigatons (tỷ tấn) carbon mà con người đã thải vào bầu khí quyển từ những năm 1800. Bản báo cáo mới nhất của nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc khuyến nghị cần bổ sung 1 tỷ ha rừng để giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5°C vào năm 2050. Các nhà khoa học đã phân tích gần 80.000 bức ảnh vệ tinh, ghi lại độ che phủ rừng trên Trái Đất hiện tại. Sau đó, nhóm nghiên cứu phân vùng hành tinh theo 10 đặc điểm đất và khí hậu. Điều này nhằm xác định các khu vực phù hợp ít nhiều với những loại rừng khác nhau.

Theo bài viết, được đăng trên trang Science ngày 04/07/2019, trên Trái Đất có thể trồng thêm khoảng 0,9 tỷ ha rừng, đây là vùng phủ xanh có diện tích bằng diện tích lãnh thổ Mỹ mà không ảnh hưởng đến các vùng đất đô thị hoặc nông nghiệp hiện nay. Những rừng cây tăng cường có thể hấp thụ 205 gigaton (tỷ tấn) khí carbon trong những thập kỷ tới, gấp khoảng năm lần lượng lượng khí thải toàn cầu năm 2018. Thêm rừng sẽ không chỉ hấp thụ carbon. Rừng sẽ cho nhân loại hàng loạt những lợi ích khác như tính đa dạng sinh học được cải thiện, chất lượng nước sạch được cải thiện và giảm xói mòn, sa mạc hóa. Nếu độ che phủ của rừng được phục hồi trong những năm tới, đến cuối thế kỷ 21, các nhà khoa học tin rằng, tỷ lệ carbon trong khí quyển sẽ giảm khoảng một phần tư. Điều này sẽ khiến khí hậu Trái Đất quay trở về như đầu thế kỷ 20.

Hà Bình

Theo Đời sống
back to top