Trồng bao nhiêu cây thuốc phiện thì bị xử lý hình sự?
Gia Đạt
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, nếu biết đây là cây thuốc phiện, là loại cây pháp luật cấm gieo trồng, sử dụng nhưng những người vẫn cố tình trồng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 12/1, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa phát hiện 2 vụ trồng gần 1.000 cây thuốc phiện trong vườn nhà tại TP Lạng Sơn và huyện Văn Lãng. Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực thôn Khòn Pát (xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) thì phát hiện trong vườn nhà anh N.T.H (SN 1982, trú thôn Khòn Pát) trồng 451 cây thuốc phiện. Tại cơ quan công an, anh H. khai nhận số cây trên là cây thuốc phiện tự trồng trong vườn nhà mình với mục đích để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Anh N.T.H. tại cơ quan Công an.
Chưa hết, hồi 9h50 ngày 9/1, tổ công tác Công an xã Bắc Việt (huyện Văn Lãng) tiến hành rà soát việc trồng trái phép cây có chứa chất ma túy trên địa bàn. Qua đó phát hiện tại khu vườn đằng sau nhà bà N.T.L (SN 1979, trú thôn Khun Gioong, xã Bắc Việt) có trồng 493 cây thuốc phiện. Qua xác minh ban đầu, bà L. trồng cây thuốc phiện với mục đích để ăn và chữa bệnh cho gà.
Công an xã Bắc Việt tiến hành phá nhổ số cây thuốc phiện trồng trái phép.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất tàng trữ trái phép chất ma túy, nghiêm cấm người dân trồng cây thuốc phiện, cây anh túc... vì bất cứ mục đích lý do gì. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi trồng cây thuốc phiện được thực hiện như thế nào, ai là người thực hiện hành vi này và trọng lượng của các cây này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Cường cho biết thêm, những vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai là người trồng những cây này và nhận thức của người này về loại cây này như thế nào. Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy người trồng cây này biết đây là cây thuốc phiện, là loại cây pháp luật cấm gieo trồng, sử dụng những người này vì lý do cá nhân mà vẫn cố tình trồng loại cây này thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy số lượng cây từ 500 cây trở lên hoặc người trồng cây này đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài việc xem xét xử lý đối với các trường hợp vi phạm như thế này, cơ quan chức năng cần tuyên truyền vận động người dân nhận thức và chấp hành pháp luật để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của loại cây này cũng như là các chế tài có thể xử lý đối với người vi phạm để người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, hạn chế nguồn cung chất ma túy trái phép.
Bộ luật Hình sự quy định:
Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
>>> Xem thêm video: Chân dung bố vợ trùm ma túy một thời Tàng Keangnam vừa bị bắt