Báo cáo của WMO cho biết có 66% khả năng là nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hàng năm sẽ cao hơn 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm trong 5 năm tới. Có 98% khả năng là ít nhất một trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết báo cáo này không có nghĩa là nhiệt độ Trái đất sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5°C đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng nhiệt độ Trái đất sẽ tạm thời "vi phạm" mức 1,5°C với tần suất ngày càng tăng.
Ông Petteri Taalas nêu rõ hiện tượng El Nino nóng lên dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới và điều này kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường.
Ảnh minh họa. - Ảnh: Trần Hải |
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Điều kiện thời tiết ẩm ướt do La Nina trong phần lớn thời gian của ba năm qua đã tạm thời hạn chế xu hướng nóng lên trong dài hạn. Tuy nhiên, La Nina đã kết thúc vào tháng 3/2023 và hiện tượng El Nino được dự báo sẽ gia tăng trong những tháng tới theo chu kỳ hoạt động.
Báo cáo của WMO cho rằng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm cho mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2027 được dự đoán là cao hơn từ 1,1°C đến 1,8°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. WMO cho rằng có tới 98%, một trong năm 5 tới sẽ là năm nóng kỷ lục, vượt cả năm 2016 - thời điểm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,3 độ C.
Do sự nóng lên vì con người gây ra và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các nhà dự báo cho biết, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm tới./.