Dấu hiệu lồi mắt của căn bệnh tuyến giáp phổ biến - Basedow ra sao? Có cách gì điều trị?
Basedow là gì?
Basedow là một bệnh cường giáp tự miễn, khi hệ miễn dịch hăng hái quá mức và quay sang "đánh nhầm phe ta", cụ thể là tuyến giáp bé nhỏ nằm ở cổ. Kết quả là tuyến giáp sản xuất hormone T3, T4 nhiều như “vòi nước rò”, khiến cơ thể rối loạn toàn tập: Tim đập nhanh; Gầy sút cân dù ăn uống vẫn đều; Cáu gắt, khó ngủ và đặc biệt là lồi mắt.
Sao lại lồi mắt khi bị Basedow?
Khi mắc Basedow, hệ miễn dịch tấn công mô mỡ và cơ sau mắt, gây viêm, phù nề, làm tăng áp lực trong hốc mắt, khiến đôi mắt bị đẩy ra phía trước.
Hiện tượng này gọi là: Thyroid Eye Disease (TED) – bệnh mắt do tuyến giáp.
Đây là biểu hiện thực thể không phải do cảm xúc, tức giận hay muốn trợn mắt.
Điều trị ra sao?
Điều trị lồi mắt do mắc Basedow không phải "chuyện riêng của bác sĩ mắt", mà kết hợp nhiều chuyên khoa:
Nội tiết: Ổn định tuyến giáp, giảm sản xuất hormone.
Miễn dịch: Kiểm soát phản ứng viêm.
Nhãn khoa: Theo dõi và điều trị các biến chứng tại mắt.
Phẫu thuật tạo hình: Dành cho các ca nặng, lồi nhiều ảnh hưởng chức năng hoặc thẩm mỹ.
Lưu ý: Dù đã kiểm soát tuyến giáp tốt, tình trạng lồi mắt vẫn có thể tồn tại lâu dài, thậm chí xuất hiện muộn hơn, khó hồi phục hoàn toàn nếu không can thiệp đúng cách.
Vì vậy, khi thấy mình (hoặc ai đó) có biểu hiện lồi mắt bất thường, đi kèm với mệt mỏi, tim đập nhanh, gầy sút nhanh, bồn chồn, dễ cáu nên đến khám chuyên khoa Nội tiết và mắt sớm.
ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên Trường Đại học Y dược Hà Nội)