Trình dự án đường vành đai 4 Hà Nội lên Quốc hội vào 20/3

Theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, dự án Đường vành đai 4 Hà Nội sẽ trình Chính phủ thông qua chậm nhất ngày 10/3; bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ ba trước ngày 20/3.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội rất quyết tâm cho dự án này để khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Không chỉ giúp Hà Nội có thêm không gian phát triển, dự án Đường vành đai 4 Hà Nội cũng sẽ tăng khả năng hoàn thiện hệ thống giao thông, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.

Theo dự kiến, dự án được chia làm 3 dự án thành phần, gồm dự án giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện, vốn ngân sách trên 24.000 tỷ đồng;

Dự án số 2 là xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành do các địa phương triển khai, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, dự kiến hơn 9.300 tỷ đồng.

Dự án số 3 là đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến theo hình thức PPP (đối tác công tư), khoảng 61.405 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia tại dự án chiếm 55%, vốn huy động từ nhà đầu tư chiếm 42%, chi phí lãi vay khoảng 1,5%.

Để hoàn vốn dự án PPP, tuyến đường cao tốc Vành đai 4 được triển khai hệ thống thống thu phí, công nghệ ITS (điều hành, giám sát giao thông minh) và trạm dừng nghỉ.

Mức phí BOT của tuyến đường được thu theo giai đoạn, với giai đoạn 2024 - 2026 xe ôtô dưới 9 chỗ là 1.700 đồng/km; giai đoạn 2027 - 2029 là 1.900 đồng/km. Thời gian thu được đề xuất dài nhất là 21 năm.

Quy hoạch đường vành đai 4 kết hợp luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang thì cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu để giữ đất.

Tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô có chiều dài 111,2 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể: Đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh).

Quy mô 6 làn xe cao tốc; hệ thống đường song hành hai bên; hành lang bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ cho đường sắt vành đai. Tốc độ thiết kế 100 km/ giờ.

Về tiến độ dự kiến, năm 2021 – 2023 chuẩn bị dự án; 2023 – 2024 giải phóng mặt bằng; Năm 2024 – 2028 thi công. Tổng mức đầu tư trên 95.000 tỷ đồng, bằng hình thức PPP (đối tác công tư).

Theo Đời sống
back to top