Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, Triều Tiên phóng hai tên lửa tầm ngắn, bay được khoảng 350-400 km, đạt độ cao gần 100 km, nhưng không chắc chắn rằng các tên lửa này rơi vào vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Nhật Bản.
Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng không được phép phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc phát biểu trong cuộc họp báo cho biết: Triều Tiên phòng các tên lửa tầm ngắn từ một khu vực thuộc tỉnh Nam Pyongan vào buổi chiều. Tên lửa bay được khoảng 370 km, đạt độ cao 90 km và rơi xuống biển Nhật Bản.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định, Mỹ đã phát hiện ra dấu vết của một vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên, hiện đang nghiên cứu đánh giá cụ thể tình huống, thu thập tin tức tình báo. Lầu Năm Góc sẽ đưa ra tuyên bố chính thức khi có đầy đủ thông tin.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong buổi họp báo cáo buộc các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên như là một hành động đe dọa đến hòa bình và an ninh Nhật Bản và khu vực, nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã thực hiện khoảng 20 vụ phóng thử nghiệm tên lửa đến nay trong trong năm 2019.
Ông Abe nhận xét: “Mục tiêu rõ ràng là Bắc Triều Tiên đang hoàn thiện công nghệ tên lửa. Chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa sứ mệnh giám sát an ninh đối với Bình Nhưỡng”.
Những vụ thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng khá bất thường, Triều Tiên thường phóng tên lửa trong thời gian tối trời, sáng sớm hoặc ban đêm. Vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể mang đầu đạn hạt nhân diễn ra ngày 02.10.2019, tên lửa được phóng từ bệ phóng ngầm dưới nước, mô phỏng phóng đạn từ tàu ngầm.
Trong năm 2019, những vụ phóng tên lửa liên tiếp diễn ra trong bối cảnh sự bế tác các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, gia tăng căng thẳng giữa quốc gia này với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngày 27.10.2019, một cựu quan chức đàm phán hạt nhân hàng đầu của Mỹ đưa bình luận gay gắt về lập trường của Nhà Trắng trong các cuộc đàm phán hạt nhân, chỉ trích những chiến thuật trì hoãn của Washington và cảnh báo về đàm phán thất bại, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đưa ra quyết định cuối cùng nếu Washington duy trì chính sách trì hoãn, vượt giới hạn “lằn ranh đỏ” cuối năm 2019.
Quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên, ông Kim Yong Chol, một người có quan điểm cứng rắn ở Bình Những, cho biết trong một tuyên bố chính thức đăng tải trên Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên: “không có bất cứ tiến bộ đáng kể nào nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các bên, tiếp tục mối quan hệ hiếu chiến có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang bất cứ lúc nào”.
Ông Kim Yong Chol cho rằng, Mỹ nhầm lẫn nghiêm trọng nếu bỏ quả thời hạn cuối năm bằng chiến thuật trì hoãn, khai thác mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Mỹ rơi vào ngõ cụt khi sử dụng chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên, nhận định sai lầm về sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của CHDCND Triều Tiên”.
Theo các nhà bình luận địa chính trị quốc tế, ông Trump và Kim Jong Un đã gặp nhau và hội đàm ba lần: lần đầu tiên trong hội nghị thượng đỉnh chính thức ở Singapore năm 2018, một lần nữa trong một cuộc gặp chính thức tại Việt Nam năm 2019, lần gần đây nhất là cuộc hội đàm tại Khu phi quân sự, ngăn cách hai miền Triều Tiên vào cuối tháng 06.2019. Mặc dù các cuộc gặp đều tổ chức hoành tráng, nhưng mang lại rất ít kết quả.
Nhưng những người ủng hộ tổng thống tranh luận về cách tiếp cận không chính thống của ông Trump - ông là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ với một nhà lãnh đạo Triều Tiên và phê phán cách đối phó lỗi thời của Washington với Bình Nhưỡng.
Sau những cuộc gặp kém hiệu quả này, ông Kim Jong Un bày tỏ sự không hài lòng với sự phát triển các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân. Đồng thời ra lệnh tiến hành hàng loạt các vụ thử tên lửa tầm ngắn, trong đó có những tên lửa được thiết kế nhằm chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul nhận xét, chiến lược hiện nay của Triều Tiên nhằm tới mục tiêu không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán ở cấp độ cụ thể. Trong điều kiện không thể có các hội nghị thượng đỉnh với những kết quả rõ ràng, Bình Nhưỡng sẽ chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 để sẵn sàng đối phó với ông Trump tái đắc cử, hoặc một tổng thống mới của đảng Dân chủ.
Theo ông, quan điểm này của Bình Nhưỡng xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể hài lòng với vị thế có được từ các hoạt động ngoại giao sau cuộc gặp ở Singapore, những lệnh trừng phạt trở lên lỏng lẻo hơn, và Triểu Tiên phát triển tiềm lực quân sự dưới ngưỡng các thử nghiệm hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.
Nhưng, ông Easley cho biết, Kim Jong Un khó có thể hài lòng với tình trạng hiện nay, một phần do áp lực nhu cầu phát triển kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do bị phong tỏa.
“Ông Kim đe dọa thời hạn cuối năm là “ranh giới đỏ” cho các cuộc thảo luận về vũ khí hạt nhân và đây là tối hậu thư ngoại giao”, giáo sư Easley nhận xét. Chính vì vậy Bình Nhưỡng gia tăng áp lực đối với Seoul và Washington, tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa.
Triều Tiên tuyên bố phóng thử nghiệm tên lửa tầm ngắn. Video The JapanTimes