<div> <p>Theo dự kiến từ ngày 18 đến 20-9, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).</p> <p>Theo đó, hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán cao cấp là ông Nguyễn Hữu Ba, ông Trương Văn Bình và ông Phan Đức Phương.</p> <p>Vụ ly hôn tranh chấp tài sản chung giữa vợ chồng cà phê Trung Nguyên được dư luận quan tâm không chỉ về sự nổi tiếng mà cả những tranh cãi về pháp lý liên quan đến vụ án.</p> <p align="center"><img alt="Triệu tập ai đến phiên phúc thẩm ly hôn vợ chồng Trung Nguyên? - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/09/ba-thao_lwqq(1).jpg" /><br /> <em class="image_caption">Bà Thảo mời 5 luật sư mới bảo vệ quyền lợi mình tại phiên phúc thẩm</em></p> <p>Về phía nguyên đơn, đại diện cho bà Thảo có ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng và ông Hoàng Anh Tuấn. Tại phiên tòa phúc thẩm bà Thảo mời năm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.</p> <p>Về phía bị đơn, đại diện ủy quyền cho ông Vũ có mẹ ông, bà Lê Thị Ước và ông Nguyễn Chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vũ có ba luật sư.</p> <p align="center"><img alt="Triệu tập ai đến phiên phúc thẩm ly hôn vợ chồng Trung Nguyên? - ảnh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/09/ong-dang-le-nguyen-vu_mfuu.jpg" /><br /> <em class="image_caption">Ông Vũ trao đổi với báo chí tại phiên xử sơ thẩm</em></p> <p>Ngoài ra, tòa cũng triệu tập nhiều người tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong số này có Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn...</p> <div> <table align="center" cellpadding="0" cellspacing="5"> <tbody> <tr> <td style="background-color: #eee;"> <p><strong>Bản án sơ thẩm bị các bên kháng cáo và VKS kháng nghị</strong></p> <p>Như <em>PLO </em>đã thông tin ngày 27-3, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã chấp nhận thuận tình ly hôn theo yêu cầu phía nguyên đơn bà Thảo, giao quyền nuôi bốn con chung cho bà Thảo. Ông Vũ có quyền thăm con, trách nhiệm chu cấp cho bốn con mỗi năm tổng cộng 10 tỉ đồng.</p> <p>Về tài sản, tòa chia theo tỉ lệ ông Vũ nhận 60%, bà Thảo nhận 40% khối tài sản. Theo tòa, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên có được thành công như ngày nay nhờ khởi điểm từ phần vốn của cha mẹ ông Vũ bán hai căn nhà. Sau đó, ông Vũ lấy tiền này để xây dựng công ty chế biến cà phê rồi nhân rộng mô hình. </p> <p>Theo HĐXX, ngoài cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên, các công ty thuộc tập đoàn, vợ chồng ông Vũ - bà Thảo còn sở hữu nhiều bất động sản; tài sản tại một số ngân hàng lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tòa án xác định tổng khối tài sản mà hai người sở hữu tại các công ty là 5.737 tỉ đồng. Riêng khối tài sản tại Singapore đang được tòa án nước này giải quyết. </p> <p>Đối với khối tài sản đứng tên bà Thảo ở ba ngân hàng, gồm: tiền, vàng, ngoại tệ có giá trị hơn 1.764 tỉ đồng, tòa án cho rằng đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ. Nếu không đưa ra được chứng cứ thì tòa sẽ sử dụng chứng cứ có trong hồ sơ hoặc chứng cứ thu thập được. Nếu không bên nào chứng minh được tài sản riêng thì tòa sẽ xử chia đôi. Do đó, bà Thảo phải chịu trách nhiệm đối với 1.764 tỉ đồng.</p> <p>Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên tất cả cổ phần của ông Vũ, bà Thảo tại các công ty thuộc Trung Nguyên giao cho ông Vũ quản lý. Ông Vũ có trách nhiệm trả lại bằng tiền mặt cho bà Thảo tương đương số cổ phần bà nắm giữ. </p> <p>Tổng cộng, khối tài sản chung của hai vợ chồng đang sở hữu (trừ bất động sản) là 7.502 tỉ đồng, ông Vũ sở hữu 60% - tương đương 4.501 tỉ đồng, bà Thảo sở hữu 40% - tương đương 3.001 tỉ đồng. Ông Vũ được giao các bất động sản trị giá hơn 350 tỉ đồng, bà Thảo sở hữu bảy bất động sản trị giá 375 tỉ đồng; ông Vũ có trách nhiệm thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch là 1.233 tỉ đồng.</p> <p>Sau đó, bà Thảo và ông Vũ đều có kháng cáo. Ngoài kháng cáo của các bên, VKS cũng có kháng nghị dài 16 trang về hơn 10 vấn đề liên quan đến bản án sơ thẩm. Và VKS đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.</p> </td> </tr> </tbody> </table> </div> </div> <p> </p>