Trí tuệ nhân tạo định hình tương lai

(khoahocdoisong.vn) - Cùng Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0. Vì vậy, trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và lan tỏa sự phát triển của công nghệ.

Ứng dụng đa dạng

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một lĩnh vực thuộc ngành máy tính. Đây là trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi một cách thông minh như con người.

AI có khả năng tự học hỏi, tự phát triển, tự lập luận giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu tiếng nói, biết tự thích nghi thông qua các dữ liệu được nạp vào và tái lập trình với những kiến thức mới.

Trong ứng dụng thực tế, AI làm cho các hệ thống thông minh hơn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng. Với xu thế chuyển đổi số, sự xuất hiện của AI kết hợp cùng dữ liệu lớn (Big Data) tạo ra nhiều giá trị gia tăng, tiện lợi trong tương lai.

Trong tương lai, AI sẽ góp phần thay đổi cách thức vận hành của nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Thúc đẩy quá trình tự động hóa, loại bỏ các quy trình thủ công tốn nhiều thời gian, nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và sức lao động, từ đó tiến đến cải thiện chất lượng cuộc sống con người.

Tiềm năng của thị trường trí tuệ nhân tạo là rất lớn. Năm 2018, ngành công nghiệp này tăng trưởng hơn 70% (tương đương 200 tỷ USD) so với năm 2017. Dự kiến đến năm 2030, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ làm tăng 14% GDP toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đang đi vào cuộc sống của mỗi quốc gia, mỗi con người, đang biến những điều không tưởng thành hiện thực. Nó phát triển đáng kinh ngạc, dần thay thế luôn cả con người. Những căn nhà thông minh, những robot chẩn đoán bệnh hay hoạt động trong lĩnh vực quân sự, những chiếc xe không người lái... Trong tương lai, tốc độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ còn nhanh hơn, rộng hơn.

Đến nay, AI đang ở ngay xung quanh chúng ta, hỗ trợ âm thầm trong cuộc đời sống hàng ngày. Từ các trợ lý ảo Siri của Apple, Alexa của Amazon, hay Cortana của Microsoft, các chức năng nhận diện khuôn mặt trong thanh toán trực tuyến… 

Trong y tế, có thể kể đến Dự án DeepMind Health của Google với tham vọng sử dụng AI phân tích bệnh án, hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán bệnh và tự động nhận bệnh án, giảm thiểu thời gian chờ đợi khám bệnh, tối giản các thủ tục…

Trong giáo dục, Robot NAO với nền tảng là trí tuệ nhân tạo hỗ trợ học ngoại ngữ xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016 có khả năng tương tác và hiểu câu hỏi của học sinh rất linh hoạt. Các công ty bảo hiểm, ngân hàng… đều sử dụng trí tuệ nhân tạo để trả lời tổng đài, chăm sóc khách hàng hay thu thập, phân tích các thói quen, hành vi.

Lợi ích từ trí tuệ nhân tạo khiến các công ty đầu tư hàng tỷ USD vào ngành này. Tại Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình để xây dựng và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tất cả các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Hướng tới xã hội văn minh

Tại Việt Nam, AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... AI cũng đã mang lại cho Việt Nam sự phát triển vượt bậc thời gian qua. Đặc biệt, vấn đề dữ liệu lớn.

Nhiều công ty trong nước đã nhận thấy tiềm năng AI từ sớm và nhanh chóng "bắt sóng" xu hướng này, bước đầu có sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn như phần mềm trợ lý ảo Kiki của Zalo, Trung tâm không gian mạng (VTCC) của Viettel hay ứng dụng ELSA, ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh do bà Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập, lọt top 5 ứng dụng AI toàn cầu.

Bên cạnh việc tích hợp trực tiếp AI vào sản phẩm, một hướng đi khác của các doanh nghiệp công nghệ là phát triển nền tảng, cung cấp các giải pháp AI phù hợp với thực trạng và nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp như FPT, ALT+ và AI Academy… Với các sản phẩm như Hệ thống giao thông thông minh tại TPHCM, xe tự hành cấp độ 3 tự di chuyển tránh vật cản của FPT, ứng dụng chẩn đoán nội soi qua hình ảnh của Viettel là những thực tiễn ứng dụng AI vào cuộc sống hiện nay tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đã dần hình thành nên cộng đồng về trí tuệ nhân tạo. Khi cộng đồng công nghệ cho ra được nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhỏ, hiệu quả tốt, sẽ góp phần nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo, tạo tiền đề để trí tuệ nhân tạo thu hút sự quan tâm, đầu tư phát triển tạo đột phá trong tương lai.

Hiện, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều startup chọn mảng trí tuệ nhân tạo để khởi nghiệp. Tuy nhiên, các công ty này hầu hết đều gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh sự phát triển, mở rộng địa bàn ứng dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, sản phẩm của các công ty này mới chỉ giải quyết được một mắt xích trong chuỗi ứng dụng của một ngành, một lĩnh vực.

Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về nguồn vốn và con người, sự đầu tư của những doanh nghiệp Việt cho thấy khát vọng phát triển AI để khẳng định chỗ đứng trong bản đồ công nghệ thế giới.

Trong một hội thảo về AI, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, trí tuệ nhân tạo tưởng chừng rất khó hiểu, cao siêu với nhiều chuyên ngành như hệ chuyên gia, robotics, nhận dạng, xử lý ngôn ngữ, học sâu, thành phố thông minh, nhà máy thông minh… nhưng “suy cho cùng trí tuệ nhân tạo nhằm giải quyết hiệu quả nhất những “bài toán” rất cụ thể, thiết thực trong cuộc sống. Nhiều việc cụ thể sẽ góp lại thành một vấn đề lớn".

Từ đó, Phó Thủ tướng khẳng định: Bản chất của AI là phát triển một xã hội an toàn, văn minh. Những dự án đang ứng dụng như thành phố thông minh, hỗ trợ di chuyển, kiểm soát an ninh, bảo mật thông tin đều phục vụ một đất nước hùng cường. Vì vậy, những tri thức trẻ, những doanh nghiệp Việt phải cùng chung tay giải “bài toán” ngày một lớn hơn của công nghệ trong nước bởi hiện Việt Nam không có lựa chọn nào khác và AI chính là cơ hội để Việt Nam ứng dụng, tạo sự phát triển bứt phá và đưa Việt Nam đi lên trong thời gian tới.

Theo Đời sống
back to top