Bác sĩ Đinh Ngọc Liên, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, người thừa cân béo phì, người dễ đổ mồ hôi rất dễ bị rôm sảy. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng là "mồi ngon" của rôm sảy, vì tuyến mồ hôi của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Các vùng đổ mồ hôi nhiều như mặt, cổ, ngực dưới, bìu... và chỗ nhiều nếp gấp da hoặc vùng hay cọ sát với quần áo (lưng, ngực, bụng) là nơi dễ bị phát ban nhất.
Theo bác sĩ Liên, để tránh rôm sảy tái phát và giảm triệu chứng ngứa là hạn chế tiếp xúc với môi trường nóng ẩm. Cho trẻ mặc quần áo cotton nhẹ, rộng rãi, dùng bộ ga giường sạch sẽ, giúp thấm hút mồ hôi. Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng để loại bỏ các tế bào da chết và bã nhờn có thể làm tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
Khi da phát ban, nên đắp một miếng gạc mát, hoặc khăn ẩm hay túi đá bọc trong khăn lên vùng tổn thương trong tối đa 20 phút mỗi lần. Nếu ngứa, hãy vỗ nhẹ lên vùng phát ban thay vì gãi. Uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Ngoài ra, trong trường hợp bị rôm sảy dai dẳng, ngứa nhiều, người bệnh có thể sử dụng một số chế phẩm bôi ngoài da không kê đơn như calamine, tinh dầu bạc hà, kem hoặc thuốc mỡ có chứa long não. Người trên 10 tuổi có thể sử dụng kem steroid sẽ giúp làm giảm ngứa và viêm. Các sản phẩm kháng khuẩn khác có thể giúp kiểm soát hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.