Trị đau tai bằng mía dò

(khoahocdoisong.vn) - Mía dò còn gọi là tậu chó, đọt đắng, đọt hoàng, cát lồi, củ choc, tên khoa học Costus speciosus smith, thuộc họ gừng Zinhiberaceae. Cây mọc hoang không chỉ dùng làm thuốc còn dùng làm rau ăn bổ mát.

Mía dò mọc hoang khắp nơi ở nước ta, thường ưa những nơi ẩm ướt. Thân rễ chứa saponin steroid, thuỷ phân diosgenin, tigogenin, tác dụng chống viêm. Ngọn và cành non còn tươi, nướng, giã, vắt lấy nước nhỏ tai chữa viêm tai. Nhìn chung người ta dùng mía dò trị lợi thuỷ tiêu thũng, thanh nhiệt, mát gan, giải độc, dùng chữa  phù thũng, tiểu buốt gắt, viêm tiết niệu, xơ gan bụng trướng, ho khan, viêm phế quản.

Để chữa đau tai, viêm tai mãn tính dùng mía dò tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước nhỏ trực tiếp vào tai để 5 phút rồi lấy bông thấm cho khô, ngày làm 3 lần. Chữa viêm thận phù thũng, viêm tiết niệu lấy 30g mía dò, 20g rễ cỏ tranh sắc uống. Để chữa mày đay, mẩn ngứa, mụn nhọt sưng đau…lấy thân rễ mía dò 100g sắc nước đặc để xoa, rửa, đắp lên chỗ mày đay mẩn ngứa, dùng lúc còn ấm hoặc pha loãng nước để tắm hằng ngày. Chữa ho gà lấy mía dò, rau sam mỗi vị 100g sắc nước uống. Chữa cảm sốt lấy mía dò 100g, lá tre tươi 20g, gừng tươi 14g sắc nước uống. Ở Ấn Ðộ, người ta còn dùng rễ mía dò trị rắn cắn nhưng cách làm phổ thông nhất vẫn là dùng cành lá tươi đem nướng, vắt lấy nước hay giã lấy nước chữa đau tai, đau mắt.

Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)

Theo Đời sống
back to top