Trị bệnh hiệu quả từ rau thơm vườn nhà

Các loại gia vị, cây cỏ trong tự nhiên không chỉ tạo những món ăn ngon tốt cho hệ hô hấp mà nó cũng chính là vị thuốc quý được sử dụng để điều trị bệnh.

Trong cuộc sống hiện đại, các bệnh liên quan đến hệ hô hấp đang diễn ra phổ biến và không ai trong chúng ta không mắc phải một hai lần trong đời. Đặc biệt, nếu không phòng tránh kịp thời sẽ gây ra bệnh mạn tính.

TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam tư vấn một số món ăn tốt cho hệ hô hấp mà bạn có thể dễ dàng chế biến trong bữa ăn hằng ngày.

Tỏi

Từ hàng nghìn năm nay, người ta đã sử dụng tỏi để phòng chống các bệnh hô hấp và nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh do virus gây nên.

Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy, allicin trong tỏi là một chất chống oxy hóa cực mạnh phân rã trong cơ thể, nó tạo ra một loại axit phá huỷ các gốc tự do có khả năng kháng khuẩn và chống virus hoạt động giúp giảm bệnh viêm mũi, cảm cúm và hen suyễn.

Cháo tỏi: Món ăn này có tác dụng thông mũi, phòng chống cảm cúm. Bạn có thể nấu cháo bằng cách: Tỏi 1 củ, lá chanh 10g, gạo 50g, thịt lợn nạc 100g, bột gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch băm nhỏ ướp gia vị xào chín. Lá chanh, tỏi rửa sạch giã nhỏ cho nước vào lọc lấy nước, cho vào nồi cùng gạo vo sạch nấu cháo.

Khi cháo chín cho thịt vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần vào buổi sáng lúc đói, ăn liền 4 – 5 ngày.

Thịt cừu + tỏi: Người Mông Cổ quan niệm, thịt cừu có thớ thịt rất mịn, ăn vào ấm dạ dày mang lại cảm giác ấm toàn thân. Thịt cừu cung cấp chất sắt trong thịt ở dạng heme, dạng cơ thể dễ hấp thu nhất, giúp cải thiện việc đưa oxy tới các cơ, bổ sung năng lượng rất có lợi cho cơ thể.

Bên cạnh đó, lượng kẽm cao trong thịt có tác dụng tốt bổ trợ cho phổi, chống tình trạng cảm cúm, viêm xoang, viêm phế quản, bệnh nhiễm trùng.

Thịt cừu nướng: Món ăn này làm ấm cơ thể phòng chống các bệnh về viêm mũi và họng. Bạn có thể sử dụng thịt cừu, ướp muối tinh và nước cốt tỏi rồi nướng nhưng không nên nướng quá vàng. Sau khi nướng xong thì thái lát mỏng.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/nhung-loai-rau-thom-vuon-nha-giup-tri-benh-hieu-qua1.jpg

Ảnh minh họa.

Lá hẹ

Cây hẹ có tên gọi là cửu thái hay khởi dương thảo và tên khoa học là Allium tuberosum Rottl.ex Spreng. Cây hẹ là cây thân thảo, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng, chữa được nhiều bệnh. Dịch chiết của lá hẹ có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nhiều loại vi khuẩn.

Theo Đông y, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín ăn lại có tính ôn (ấm), vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị; tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc, tiêu viêm, phòng chống cảm cúm, viêm xoang và chữa ho.

Trứng vịt hấp lá hẹ: Món ăn này có tác dụng rất tốt cho hệ hô hấp như viêm xoang, viêm họng. Trứng vịt 3 quả, lá hẹ 10g, đường phèn 20g. Lá hẹ rửa sạch thái nhỏ cho vào bát to cùng với đường phèn, đập trứng vào quấy đều, đem hấp cách thủy cho chín. Ăn ngày 1 lần lúc đói vào buổi sáng. Cần ăn 3 – 5 ngày.

Bạc hà

Bạc hà thơm cay nồng, tính mát có thể kháng virus, kháng nấm và kháng khuẩn. Ngoài ra, nó còn là một loại thảo dược giúp thông mũi và đờm hiệu quả, giúp chữa tình trạng tắc nghẽn, ho và cảm lạnh.

Thịt gà nướng lá bạc hà: Món ăn này rất hấp dẫn và làm ấm cơ thể giúp thông mũi, phòng chống viêm xoang. Nguyên liệu: 1/2 chén rượu bourbon, 1 muỗng canh đường nâu, 4 muỗng canh lá bạc hà tươi, ¼ chén giấm thơm, 1 quả chanh, mài vỏ và vắt nước, 450g ức gà cắt thành các miếng cube.

Cách làm: Cho rượu vào bát trộn nhỏ, sau đó thêm đường nâu và 2 muỗng canh lá bạc hà. Trộn đều. Sau đó, cho thêm giấm thơm, vỏ chanh và nước chanh vào. Cuối cùng thêm hạt tiêu và khuấy đều để hỗn hợp hoàn toàn kết hợp với nhau. Cho bát thịt gà tẩm ướp vào trong tủ lạnh khoảng 30 phút. Sau đó, lấy thịt gà ra, xiên thịt gà lại.

Nướng thịt gà trên nhiệt độ vừa khoảng 20 phút, xoay liên tục trong quá trình nướng để thịt gà không bị cháy. Khi thịt chín, cho thịt ra khỏi xiên. Đặt 1 chiếc lá bạc hà lên trên 1 miếng thịt rồi dung xiên nhỏ xiên lại và thưởng thức.

Kim ngân hoa

Kim ngân hoa có rất nhiều tác dụng, trong đó phải nói đến tác dụng quan trọng là kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh kim ngân hoa có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh thường xuất hiện ở bệnh viêm xoang, trực khuẩn thương hàn, vi rút cúm… có tác dụng chống viêm, làm giảm chất xuất tiết, giải nhiệt.

Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng. Hoa, lá, cành đều được dùng làm thuốc nhưng người ta thường tách hoa để làm thuốc riêng vì hoa có công hiệu hơn lá, cành.

Cháo hoa kim ngân hoa: Có tác dụng trị cảm cúm, phòng cảm nắng, đau đầu, đau họng. Nguyên liệu gồm: kim ngân hoa 30g, gạo tẻ 50g, nước 300ml. Cách làm: kim ngân hoa đun sôi, rồi cô lấy nước 150ml, dùng nước nấu cháo. Ngày ăn 2 lần sáng tối.

MT (tổng hợp)

Theo Đời sống
back to top