Thí nghiệm hé lộ sự thù dai đáng kinh ngạc
Năm 2006, giáo sư John Marzluff từ Đại học Washington thực hiện một thí nghiệm đặc biệt. Ông đeo mặt nạ quái vật, bắt 7 con quạ bằng lưới, trêu chọc chúng và gắn thẻ nhận dạng rồi thả chúng về tự nhiên mà không gây thương tích. Tuy nhiên, trải nghiệm này đã khắc sâu vào trí nhớ của những con quạ.
Khi giáo sư Marzluff xuất hiện tại khuôn viên trường với chiếc mặt nạ quen thuộc, những con quạ lập tức bao vây và tấn công người đã trêu chọc mình. Số lượng quạ tham gia "trách mắng" ông dần tăng lên, có lần đạt tới 47/53 con trong khu vực và hành vi này kéo dài liên tục suốt 7 năm, chỉ bắt đầu giảm bớt vào năm 2013.
Ảnh minh họa. |
17 năm ghi hận, loài quạ mới chịu buông tha
Đáng kinh ngạc, những hành vi "trả thù" của bầy quạ chỉ chấm dứt vào tháng 9/2023, khi giáo sư Marzluff nhận ra chúng không còn tấn công mình nữa. Như vậy, sau 17 năm, loài quạ mới ngừng ghi hận và kết thúc cuộc chiến trả thù lại sự trêu chọc của vị giáo sư.
Theo giáo sư Marzluff, bộ não quạ sở hữu vùng tương tự hạch hạnh nhân ở động vật có vú, nơi lưu giữ ký ức và cảm xúc tiêu cực. Thí nghiệm cho thấy khi cảm thấy bị đe dọa, quạ có khả năng quan sát, ghi nhớ hành vi của con người và tổ chức tấn công theo nhóm, một biểu hiện phức tạp vượt xa nhận thức trước đây về loài chim này.
Khám phá này không chỉ khẳng định trí tuệ xuất sắc của quạ mà còn đặt ra câu hỏi thú vị về nhận thức, trí nhớ và cảm xúc ở các loài động vật khác. Quạ, với khả năng đặc biệt của mình, đã minh chứng rằng chúng không chỉ là loài chim thông minh mà còn có thể "ghi thù" và kêu gọi hội, nhóm tổ chức trả thù như một chiến lược gia thực thụ.