Trên 4.400 nhân viên y tế trên cả nước đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch

Ngày 17/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có 24 đoàn với trên 4.400 nhân viên y tế đến chi viện cho ngành y tế thành phố khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Về việc huy động nhân lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 đang quá tải, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại TP Hồ Chí Minh đang tiếp nhận nguồn nhân lực của Bộ Y tế với khoảng 10.000 nhân lực.

Chú thích ảnh
Đã có trên 4.400 nhân viên y tế từ các tỉnh về hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, Sở Y tế đã đón 24 đoàn công tác đến từ Sở Y tế các tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Bộ, ngành và 11 trường Cao đẳng, Đại học với tổng cộng 4.473 người; trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên tham gia hỗ trợ.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, TP Hồ Chí Minh vừa sử dụng nguồn nhân viên y tế sẵn có của thành phố cùng với nhân viên y tế được tăng cường để thực hiện nhiều nội dung, từ lấy mẫu xét nghiệm cho đến điều tra truy vết, phục vụ bệnh viện dã chiến cũng như bệnh viện điều trị và bệnh viện hồi sức.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều phối nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo nhân sự cho hoạt động của các bệnh viện trên địa bàn; đồng thời đề nghị các trường Đại học Y tại thành phố huy động lực lượng sinh viên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch.

"TP Hồ Chí Minh tin tưởng với sự đồng lòng, chung tay hỗ trợ của các đơn vị sẽ sớm vượt qua khó khăn hiện nay để tiến tới mong muốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sớm đưa Thành phố trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới”, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế quyết định triển khai chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng qua test nhanh kháng nguyên và PCR nhằm truy vết F0 trong cộng đồng, nhờ vậy đã phát hiện nhiều ca F0. Tuy nhiên, với số trường hợp F0 tăng nhanh đã dẫn đến việc điều phối đến các bệnh viện điều trị chưa đáp ứng kịp thời.

“Mặc dù ngành y tế Thành phố đã nỗ lực phối hợp với các sở, ngành để mở rộng các bệnh viện dã chiến, đồng thời chuyển đổi công năng của các bệnh viện, tuy nhiên do hầu hết những bệnh viện dã chiến được thành lập từ các khu tái định cư nên cần phải sửa chữa nâng cấp”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, ngành y tế đang thêm giường bệnh, đầu tư thêm cơ sở vật chất của các bệnh viện để khắc phục tình trạng quá tải, cũng như việc chậm chuyển bệnh nhân đến các khu vực điều trị.

Theo baotintuc.vn
back to top