Trên 3700 dị nguyên được xác định gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở người

Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng dị ứng của da đối với các dị nguyên trong môi trường khi tiếp xúc với da. Mặc dù các triệu chứng hầu hết không quá nguy hiểm nhưng gây nên nhiều khó chịu và phiền toái cho người mắc bệnh.

Những tác nhân dễ gây dị ứng

BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám Bệnh, bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, viêm da tiếp xúc dị ứng là một phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với dị nguyên là các chất gây dị ứng. Tình trạng này khác với viêm da tiếp xúc kích ứng.

Khi bạn tiếp xúc với các dị nguyên thì biểu hiện dị ứng của da nó sẽ không xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng đó, mà biểu hiện thường xuất hiện sau một khoảng thời gian từ 48-72h tiếp xúc. Sau thời gian đó, cơ thể mới phản ứng lại với chất gây dị ứng, và chỉ cần một lượng rất nhỏ chất gây dị ứng thì đã có thể gây phản ứng.

Đối với làn da dễ bị tổn thương, ví dụ với những người bị viêm da cơ địa hoặc bị tổn thương trước đó thì hàng rào bảo vệ da không còn được toàn vẹn, do đó rất dễ gây dị ứng hơn làn da khỏe mạnh.

Có tới trên 3700 dị nguyên đã được xác định gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở người. Trong đó, một số dị nguyên chính bao gồm:

- Hương liệu, chất bảo quản trong mỹ phẩm, p-phenylenediamine trong chất nhuộm tóc.

- Formaldehyde trong nhựa dán.

- Carbamix, thiramix, mercaptomix trong cao su,...

- Các sản phẩm từ than đá, thuốc bôi, hoá chất trừ sâu, nhựa cây, hoa, phấn hoa, quần áo,...

- Các kim loại như: đồng, thủy ngân, nickel, bạc, kẽm,...

Các biểu hiện trên da khác nhau

Chúng ta nghĩ đến viêm da tiếp xúc dị ứng khi trước đó có tiếp xúc với các vật, các chất mà nghi ngờ có thể gây dị ứng (ví dụ như một số kim loại như nickel, chromate, các chất tạo mùi, chất bảo quản, găng cao su, thuốc nhuộm tóc, mực xăm, vải, các thuốc bôi,...), sau đó sẽ xuất hiện những biểu hiện trên da khác nhau:

Tổn thương cơ bản phụ thuộc vào mức độ nặng, vị trí và thời gian bị bệnh, viêm da tiếp xúc dị ứng có thể cấp hoặc mạn tính.

Biểu hiện cấp tính: Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính là cảm giác ngứa, xuất hiện các mẩn đỏ, có thể có phù nề, hoặc mụn nước dạng chàm. Trường hợp phản ứng mạnh có bọng nước kết hợp lại với nhau thành mảng. Bọng nước vỡ để lại vết trợt tiết dịch và đóng vảy tiết. Tổn thương không chỉ ở ngay tại vị trí tiếp xúc với mà còn xuất hiện ở vị trí khác vượt quá vùng tiếp xúc.

Biểu hiện bán cấp: Là những mảng, dát đỏ nhẹ, kích thước nhỏ, trên có vảy da khô, đôi khi kèm theo những đốm màu đỏ nhỏ hoặc những sẩn chắc, hình tròn

Biểu hiện mãn tính: Khi tiến triển mạn tính không còn là những tình trạng mụn nước hay mẩn đỏ, mà có những biểu hiện khác như thường có dày da, nếp da sâu thành những đường kẻ song song hoặc hình thoi, bong vảy da, dày da, cùng các sẩn vệ tinh, nhỏ, chắc, hình tròn, phẳng, những vết trầy xước, dát đỏ và nhiễm sắc tố, da thâm, nứt nẻ,...

Cần lưu ý rằng bàn tay, bàn chân, mi mắt, mũi là những vị trí hay gặp viêm da tiếp xúc dị ứng nhất. Triệu chứng cơ năng: ngứa nhiều, có thể có cảm giác nhức nhối và đau nếu bệnh nặng.

Nếu có triệu chứng giống như trên, hãy thăm khám sớm nhất với các bác sĩ da liễu để có chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị kịp thời.

Theo VietnamDaily
back to top