Trẻ thiếu tập trung có thể đang bị bạo lực tinh thần

(khoahocdoisong.vn) - Trẻ thiếu tập trung trong mọi việc, từ học tập đến tham gia các hoạt động của lớp, trường có thể đang bị bạo lực tinh thần, trong khi phụ huynh lại tưởng con ham chơi hay lười biếng.

Những hậu quả nặng nề từ bạo lực tinh thần

ThS.BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát Triển Sức khoẻ Cộng đồng Ánh sáng – LIGHT cho biết, bạo lực học đường không chỉ về mặt thân thể, mà còn ở tinh thần.

Một số hành vi bạo lực tinh thần điển hình đối với trẻ có thể kể đến như: Đổ lỗi, mắng, ép buộc làm việc không mong muốn. Đòi hỏi, mong đợi vượt quá khả năng của trẻ. Đối xử không công bằng. Chế nhạo, châm chọc. Nói xấu, tung tin đồn xấu, gán cho biệt danh xấu. Đe dọa, cô lập, tẩy chay. Thao túng, hành hạ về cảm xúc.

Theo nghiên cứu của tổ chức Plan trong phạm vi một số trường học ở Hà Nội, có đến 65% học sinh đã bị bạo lực tinh thần như mắng chửi, đặt biệt danh xấu, nhắn tin đe dọa, nói xấu trên mạng...

Bạo lực tinh thần để lại nhiều hậu quả nặng nề, thậm chí dẫn tới những vụ việc đau lòng. Ví dụ như vụ việc một học sinh ở Thạch Thất, Hà Nội đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ.

Lý do khiến em tự tử là do một bạn cùng lớp chụp ảnh chân dung của em rồi ghép với với hình một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên mạng. Em xin bạn gỡ ảnh xuống nhưng tấm ảnh không được gỡ xuống mà còn bị cả lớp lấy ra trêu đùa. Uất ức, em đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

ThS.BS Nguyễn Thu Giang cho biết, cần phải nghĩ tới việc trẻ đang bị bạo lực tinh thần khi trẻ có những biểu hiện:

Về tâm lý: Trẻ sợ hãi và ám ảnh bởi lời đe dọa. Lo lắng sợ thầy cô, cha mẹ biết việc mình đang bị bạo lực. Lo sợ bị trả thù khi sự việc bị tiết lộ, chán nản, bế tắc. Nếu tình trạng bị bạo lực đã kéo dài trẻ có thể trở nên tự ti, khép mình, nhút nhát, trầm cảm, thiếu quyết đoán.

Về sức khoẻ: Trẻ mệt mỏi, bơ phờ, cảm xúc thất thường. Thay đổi thói quen sinh hoạt ăn ngủ. Không còn hứng thú với những hoạt động ưa thích thường ngày. Rối loạn tâm thần (đau đầu, mất ngủ, cáu gắt...), rối loạn tiêu hóa (đau dạ dày, đau bụng...).

Về học tập: Trẻ không muốn, sợ đến trường. Chán học, kết quả học tập giảm sút, thậm chí bỏ học. Trẻ có cảm giác cô độc và tự cô lập mình, ít tham gia các hoạt động tập thể như ở lớp, ở trường.

Về hành vi: Trẻ thiếu tập trung trong mọi việc, từ học tập đến tham gia các hoạt động của lớp, trường. Đây là điều đôi khi phụ huynh không ngờ tới, tưởng rằng trẻ do ham chơi hoặc lười biếng.

Để tránh bị mọi người phát hiện mình đang gặp bạo lực, trẻ tìm cách nói dối để giải thích. Lâu dài có thể tạo thành thói quen nói dối.

Trẻ chán ghét bản thân và tìm các hủy hoại mình. Tìm đến các loại thuốc an thần, các chất gây nghiện để giải thoát hoặc tìm cách trả thù người bắt nạt.

Theo một nghiên cứu của các tác giả Hoàng Cẩm Tú, Quách Thùy Minh và Nguyễn Hồng Tú có tới 80,5% cha mẹ thường xuyên dọa đánh con, 87% mắng, rủa con; 46,6% dọa đuổi ra khỏi nhà; 44,4% gọi con là “ngu” hoặc “đồ lười”, bỏ lơ hoặc không tỏ thái độ yêu thương với con và 24,3% cha mẹ nhục mạ con.

Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng và gây áp lực cho con

Cô giáo Lê Huyền, trường Tiểu học Thụy Lâm B, Đông Anh, Hà Nội chia sẻ, trong việc phòng chống bạo lực học đường, vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Bởi cha mẹ chính là người nuôi dưỡng, gần gũi với trẻ nhất.

Theo nội dung chương trình lồng ghép phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại trường học vào các cuộc họp phụ huynh đang được triển khai tại Đông Anh, trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên sẽ đưa ra các tình huống, câu hỏi để phụ huynh thảo luận.

Ví dụ, đưa ra kết quả nghiên cứu của tổ chức Plan tại Việt Nam, chỉ có 15,5% các con bị bạo lực chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ. Lý do là vì các con sợ bị cha mẹ đổ lỗi hoặc làm cho câu chuyện trầm trọng hơn.

Để con tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trẻ, theo cô giáo Lê Huyền, phụ huynh cần thường xuyên trò chuyện, khuyến khích con chia sẻ những vấn đề khúc mắc tại trường học trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo.

Xây dựng niềm tin rằng cha mẹ luôn là người ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ cùng con vượt qua khó khăn.

Khi có sự việc xảy đến với con, bố mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề và đưa ra các giải pháp hỗ trợ con.

Hiểu tính cách và tâm lý lứa tuổi của con. Hướng dẫn con những kỹ năng cần thiết để hòa nhập xã hội và hoàn thiện bản thân

Giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường và giáo viên và bạn bè của con. Quan tâm, chú ý đến những cảm xúc, hành động, cử chỉ khác lạ của con.

Chia sẻ các giải pháp để vượt qua khó khăn, khủng hoảng với con trên tinh thần người giúp đỡ. Gương mẫu, nói không với bạo lực trong gia đình.

Song song với đó, phụ huynh cần tránh áp đặt suy nghĩ của mình, đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực cho con.

Nổi nóng hoặc có hành vi bạo lực khiến con hoảng sợ. Quá bênh vực hoặc toàn đổ lỗi cho con khi những sự việc không hay xảy ra.

Kiểm soát quá mức tự do cá nhân của con (thời gian học, kết giao bạn bè). Thiếu quan tâm đến việc học tập, vui chơi, kết giao bạn bè của con. Coi những sự cố xảy đến với con ở trường là chuyện trẻ con và không cần quan tâm.

Khiến con luôn sợ hãi và thấy có khoảng cách, không muốn chia sẻ với bố mẹ. Hoặc ngược lại, khiến con ỷ lại hoàn toàn vào bố mẹ, mỗi lần xảy ra sự cố lại về mách lại và chờ đợi bố mẹ giải quyết hộ.

Trong nghiên cứu của UNICEF, một phần ba số trẻ trả lời phỏng vấn cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần dưới hình thức mắng nhiếc. Quát mắng, dè bỉu hoặc chê trách trẻ trước mặt người khác là việc thường xuyên xảy ra ở nhà và ở trường.

Theo Đời sống
back to top