2 ngày tuổi đã phải mổ cấp cứu tắc ruột
Ngày 01/6/2019, Khoa Ngoại & Chuyên khoa Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã phẫu thuật mổ cấp cứu cho bé Phạm Thị Minh T. (02 ngày tuổi), được chẩn đoán tắc ruột non bẩm sinh do teo đoạn hỗng tràng/ ruột quay dở dang. Bé là con thứ hai của sản phụ Vũ Thị N., đẻ mổ, ối vỡ non, ối xanh, thai non tháng 33. Sau sinh bé khóc yếu, tím tái, thở rên, được hồi sức tại phòng mổ, thở oxy chuyển sang khoa Sơ sinh với chẩn đoán: Suy hô hấp/theo dõi tắc ruột bẩm sinh. Đến ngày thứ hai các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật mổ cấp cứu điều trị tắc ruột bẩm sinh.
Trong hơn 1h phẫu thuật, các bác sĩ kiểm tra ổ bụng thấy toàn bộ các quai ruột quay dở dang, quai hỗng tràng có đoạn teo nhỏ, không có mạch nuôi do xoắn mạch ruột quay dở dang, dài 6cm, gây tắc hỗng tràng. Kíp phẫu thuật tiến hành cắt đoạn hỗng tràng teo bị hoại tử đồng thời nối đoạn hỗng tràng lại. Sau phẫu thuật hiện bé đã cai được máy thở đang theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh.
BS Hoàng Văn Quỳnh, Bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ninh cho biết, đây là dị tật bẩm sinh trong quá trình hình thành ruột. Việc phát hiện sớm bệnh có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị, nếu phát hiện muộn, hoại tử ruột có thể gây ra các nguy cơ nguy hiểm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tắc ruột sơ sinh là 1 cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở lứa tuổi sơ sinh. Tiên lượng bệnh rất nặng, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi trẻ lọt lòng, người lớn cần lưu ý, thông thường trẻ sẽ thải phân su sau 6 - 8 tiếng (thường là chất dẻo nhão đen). Nếu trong thời gian này không có hiện tượng trên xảy ra, cần báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để theo dõi chặt chẽ. Biểu hiện lâm sàng là: Không bài tiết phân su; Nôn nhiều (nôn ra dịch màu vàng, hoặc xanh, có khi nôn ra cả dịch ruột (dịch như màu phân); Bụng trướng; Có trẻ không thấy lỗ hậu môn hoặc lỗ hậu môn bị bịt kín...
Mẹ đẻ non, đa ối cấp cần chú ý
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh nhưng với sự tiến bộ trong lĩnh vực siêu âm bào thai, người ta có thể chẩn đoán được nhiều loại dị tật bẩm sinh trước mổ. Hai dấu hiệu gợi ý của tắc ruột qua siêu âm bào thai là: Sự giãn nở bất thường của các quai ruột của bào thai và sự giãn nở của khoang ối (dấu hiệu đa ối). Vì vậy, những trường trẻ đẻ non và có tiền sử đa ối cấp trong những tháng đầu của thai kỳ cần chú ý. Dấu hiệu đa ối rất thường gặp ở những trường hợp bệnh nhi tắc đường tiêu hóa ở cao (thực quản, môn vị, tá tràng, hỗng tràng).
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đa phần tắc ruột bẩm sinh phải phẫu thuật nhưng cũng có những trường hợp điều trị nội khoa. Có những thể tắc ruột sơ sinh hay gặp như:
Teo ruột: Có thể gặp bất cứ vị trí nào trên đoạn ruột, có thể teo một chỗ hoặc nhiều chỗ. Thường hay gặp nhất là teo ở đoạn cuối hồi tràng. Điều trị: Chủ yếu là phẫu thuật, cắt bỏ đoạn ruột teo và một phần đoạn phình ở trên rồi tái lập lưu thông tiêu hóa theo kiểu bên - bên, tận - chéo hoặc tận - bên có dẫn lưu.
Tắc ruột phân su: Do phân su bị kết dính vào niêm mạc của toàn bộ đoạn cuối hồi tràng gây tắc ruột. Sự kết dính của phân su là do sự hiện diện của chất nhầy (mucoprotéine), chất này còn hiện diện trong một số các tuyến ngoại tiết khác như ở gan, tụy, phế quản, tuyến mồ hôi. Do đó, người ta xem tắc ruột phân su như là một biểu hiện sớm của căn bệnh hệ thống có tên là bệnh xơ nang tuỵ. Điều trị: Thụt tháo đại tràng để tống được ra ngoài. Theo dõi kết quả từ 6-12 giờ nếu thất bại thì chuyển mổ lấy sạch kết thể phân su ở hồi tràng, cắt bỏ đoạn ruột bị giãn và tái lập lưu thông tiêu hóa.
Tắc ruột do dây chằng hoặc dính: Do hậu quả của viêm dính từ thời kỳ bào thai và tạo thành các dây chằng hoặc các đoạn ruột dính gây tắc ruột. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ dây chằng gỡ dính và giải phóng ruột.
Viêm phúc mạc bào thai: Thường do thủng ruột thời kỳ bào thai, dịch phân su theo lỗ thủng đổ ra ngoài ổ bụng. Do đọng dịch lâu ngày, ổ phúc mạc có thể hình thành các màng ngăn giả, ngăn kén chứa đầy dịch phân su, còn ruột bị chèn ép và co cụm lại sát với cột sống. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật hút sạch dịch phân su trong ổ bụng, phá bỏ các ngăn, các kén, màng giả, giải phóng ruột và tìm lỗ thủng để xử lý. Viêm phúc mạc bào thai thường kèm theo: teo ruột, tắc ruột phân su...
Ảnh: Phẫu thuật tắc ruột cho bệnh nhi tại BV Sản Nhi Quảng Ninh
Thúy Nga