Theo y học cổ truyền, quả cam có vị ngọt chua, tính mát, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu. Vỏ quả cam có vị cay, mùi thơm, tính ẩm, có tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hóa. Vỏ cây cam vị ngọt, hơi the, tính mát, có tác dụng hạ khí đầy, điều hòa tỳ vị.
Cam chứa nhiều vitamin C và được chứng minh là loại quả có tác dụng chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống oxy hóa mạnh. Trên thực tế, hàm lượng vitamin C trong cam chỉ chiếm 15 – 20% tổng số các chất kháng oxy hóa trong khi những hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao gấp 6 lần vitamin C như hesperidin từ flavanoid có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam và một ít trong tép, hạt cam, có khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).
Nước cam chứa hàm lượng vitamin C rất cao, có thể hỗ trợ kích thích sản xuất bạch cầu, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Nước cam cũng chứa lượng vitamin A, đồng, folate, vitamin B1 và các chất dinh dưỡng khác giúp tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Cam có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng thông lơi nhiệt độc trong dạ dày, ruột, khỏi được chứng khát ghê gớm, lợi tiểu tiện. Cam bổ nhưng không nên ăn nhiều quá, làm phổi lạnh sinh ra nhiều đàm, bệnh tích, đi tả, ra nhiều mồ hôi. Những người gặp nóng, đơn đỏ chạy khắp người, (phong ngứa mề đay dị ứng) chỉ cần lấy cam tươi vắt uống 1 - 2 quả mỗi ngày. Nếu ngủ không ngon giấc, tâm nóng, bứt rứt lấy cam tươi vắt uống 1 - 2 quả/ngày hoặc hơn. Người táo bón, miệng khô khát lấy cam tươi vắt uống 1 - 2 quả, người nhiệt miệng cũng uống tương tự.
Ăn cam giúp bổ sung chất xơ, có lợi cho tiêu hóa. Người béo phì, nhiều cholesterol nên ăn nhiều cam bởi các synephrine alkaloid dưới vỏ cam có tác dụng giảm tần suất sản xuất cholesterol ở gan. Nguồn chất xơ dồi dào hòa tan của cam giúp giảm lượng cholesterol trong máu, đồng thời giảm nguy cơ bệnh tim giảm đáng kể. Chất xơ trong cam giúp giữ cảm giác no lâu hơn, làm chậm phân hủy các carbohydrate và ngăn ngừa sự tăng lên của lượng đường trong máu. Trẻ mắc táo bón nên cho ăn cam hằng ngày. Ăn hoặc uống nước cam vào bữa sáng liên tục trong vài ngày sẽ mang lại tinh thần phấn chấn, cơ thể hấp thụ cao nhất các canxi, vitamin tốt cho sức khỏe, chất xơ trong cam giúp phòng tránh táo bón. Tuy nhiên, vì cam có vị chua, tính hàn nên không dùng cho những người hay lạnh bụng.
Lương y Nguyễn Văn Phúc (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)