Bệnh vì “tẩm bổ” quá đà
PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, bệnh nhi ĐTĐ týp 2 trẻ tuổi nhất ở Việt Nam được ghi nhận là cậu bé 9 tuổi. Cậu bé được đưa đi khám khi bố mẹ thấy con thừa cân, béo phì… Xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết của cháu lên tới 15mmol/l, chỉ số HBa1C là 11,7%. Bệnh nhi phải điều trị insulin suốt đời.
PGS.TS.BS Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết sinh sản, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đang điều trị cho bệnh nhi mới 14 tuổi, cao 1m80, nặng hơn 90kg mắc ĐTĐ týp 2. Cháu bé được phát hiện bệnh khi bố mẹ thấy con trở thành “cậu bé khổng lồ” nhất trường, nhưng thường xuyên mệt mỏi, tiểu nhiều, uống nhiều… Xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết hơn 27mmol/L (chỉ số của người bình thường từ 3,9 - 6,4mml/l). Bác sĩ đã phải áp dụng phác đồ điều trị đặc biệt: Tiêm insulin 4 mũi/ngày, kết hợp với chế độ giảm cân và dinh dưỡng hợp lý, lượng đường huyết của cháu mới dần ổn định ở mức 5,6mmol/l. Ra viện được hơn 1 năm, cháu lại quay lại chế độ ăn ban đầu và không vận động... làm lượng đường huyết tăng vọt khiến cháu lại phải vào viện điều trị cấp cứu. Bác sĩ điều trị cho hay, nếu tình trạng đường huyết tiếp tục tăng cao, cháu bé có nguy cơ bị tăng áp lực thẩm thấu máu, hôn mê...
Trẻ mắc tiểu đường phải điều trị cả đời. |
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết - ĐTĐ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ĐTĐ týp 2 liên quan đến lối sống có thể dự phòng được nhưng đang tăng lên ở người trẻ. Nếu các năm trước, ĐTĐ týp 2 được coi là nguy cơ từ sau tuổi 45 và ít gặp ở lứa tuổi trước 40 thì hiện nay đã gặp ở những người trẻ trước 35 tuổi và cả ở trẻ em (bệnh nhân dưới 18 tuổi).
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi đến khám và điều trị áp xe gan. Trước đó, bệnh nhi đã điều trị áp xe gan tại cơ sở y tế khác nhưng không thuyên giảm, khi xét nghiệm mới thấy chỉ số đường huyết quá cao và được chẩn đoán ĐTĐ týp 2. Qua khai thác tiền sử gia đình cho thấy bà, mẹ và nhiều người thân khác trong gia đình bệnh nhi cũng bị ĐTĐ.
Theo PGS.TS Tạ Văn Bình Bình, hiện Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân ĐTĐ cao nhất thế giới. Dù Việt Nam chưa có thống kê về trẻ mắc bệnh ĐTĐ typ 2, nhưng có tới 15 - 20% trẻ bị thừa cân, béo phì, đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ĐTĐ.
Cần test và điều trị ngay khi chưa có bệnh
PGS.TS Tạ Văn Bình nhấn mạnh, đến nay ĐTĐ vẫn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” với các biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, suy thận, biến chứng tim mạch… Chẳng hạn, cứ 6 giây có 1 người chết vì liên quan đến ĐTĐ và 20 giây lại có 1 người phải cắt cụt chi...
Nhiều người chỉ lo phòng biến chứng ĐTĐ khi phát hiện ra bệnh, thực ra biến chứng ĐTĐ xảy ra ngay từ khi có tăng insulin máu. Vì vậy, để phòng tránh ĐTĐ và biến chứng, yếu tố quan trọng là test xét nghiệm và theo dõi điều trị ngay từ giai đoạn có rối loạn chuyển hóa. Tại Singapore nhờ chương trình sàng lọc, test xét nghiệm sớm đánh giá insulin và can thiệp điều trị bằng chế độ ăn, vận động cho trẻ thừa cân, béo phì đã giảm được tỷ lệ ĐTĐ týp 2 xuống 10%. Ở Việt Nam chưa quan tâm tới vấn đề này, chưa cho trẻ thừa cân béo phì đi khám hoặc khám nhưng không xét nghiệm đường huyết, chỉ đến khi trẻ xuất hiện triệu chứng điểu hình của ĐTĐ như lơ mơ, hôn mê, co giật, nhiễm trùng, thở nhanh, đau bụng, mất tri giác... mới đi khám thì bệnh đã trở nặng. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ khi trẻ có dấu hiệu thừa cân, béo phì, theo dõi insulin và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống, vận động và giảm stress để phòng tránh mắc bệnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nước ta hiện có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này dự báo tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20 - 79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: Tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân ĐTĐ...