Trẻ hóa bệnh người già - Kỳ 6: Tuổi đôi mươi đã bị ung thư vú

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam không chỉ ghi nhận ung thư vú (UTV) trẻ hơn thế giới từ 5 – 10 tuổi, số người mắc tăng lên gần gấp đôi mà nhiều người bị bệnh khi chỉ mới 20, 21 tuổi. Bệnh nhân UTV nếu được phát hiện và điều trị sớm khỏi bệnh có thể lấy chồng, sinh con.

Các yếu tố nguy cơ UTV trẻ hóa

20 tuổi N. bàng hoàng trước kết quả chẩn đoán bị UTV. Mọi việc diễn tiến quá nhanh, từ lúc N. đi khám đến khi lên bàn mổ chưa đầy một tháng. Dưới tấm khăn buộc đầu che đi di chứng sau đợt điều trị hoá chất, gương mặt N. nhợt nhạt, nước da xạm khô khiến người khác không khỏi chạnh lòng.

TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K cho biết, may mắn là bệnh nhân N. đến bệnh viện vẫn kịp thời vì khối u vú chưa di căn. Không may mắn như N., Ánh T. (22 tuổi, Nam Định) khi đến khám bị UTV, đã di căn đến gan, hiện bệnh nhân đã ở giai đoạn 4 của UTV.

Siêu âm vú để phát hiện sớm UTV.

Siêu âm vú để phát hiện sớm UTV.

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, bệnh UTV chủ yếu được ghi nhận ở người cao tuổi (từ 50 - 60) nhưng ở Việt Nam đang ghi nhận tình trạng bệnh nhân UTV trẻ hơn so với thế giới 5 - 10 tuổi.

Theo TS.BS Lê Thanh Đức, ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh UTV chiếm tới 1,2 triệu ca. Các nước Âu, Mỹ bệnh hay gặp ở người lớn tuổi, nhưng ở khu vực châu Á, Đông Nam Á thì tỷ lệ UTV trẻ khá cao. Ngay ở Nhật Bản và một số nước châu Á cũng phát hiện bệnh nhân UTV 26 – 27 tuổi. Tại Việt Nam, 31 – 36 tuổi tỷ lệ gặp đã cao hơn các nước châu Âu, châu Mỹ nhưng không ít bệnh nhân bị UTV còn rất trẻ, rất nhiều trong số đó chưa có gia đình.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra các yếu tố nguy cơ gây UTV và UTV trẻ hóa gồm: Sử dụng thuốc tránh thai phối hợp và liên tục; Các yếu tố như tiền sử gia đình, gene UTV (BRCA1, BRCA2, BRCA3, p53), bệnh cowden (bệnh hiếm do rối loạn nhiễm sắc thể), gene thụ thể andogen, ảnh hưởng phóng xạ, virus... đặc biệt là chế độ ăn nhiều mỡ, béo phì, nhất là béo phì nửa trên cơ thể, uống nhiều rượu, hút thuốc lá cũng được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ gây UTV nói chung và UTV ở người trẻ nói riêng.

Phát hiện sớm có thể khỏi hoàn toàn

Theo TS.BS Lê Thanh Đức, đối với người trẻ, tỷ lệ bệnh UTV phát triển mạnh, nhanh hơn người già. Tế bào tốc độ phát triển mạnh hơn, độ ác tính cao hơn, thụ thể nội tiết hay âm tính và thời gian giữ được ổn định bệnh cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, đây là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, vì bệnh nhân có thể tự sờ thấy được. Với bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì sẽ điều trị khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao, đặc biệt là với bệnh UTV. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%. Tại Bệnh viện K đã chữa trị cho nhiều trường hợp UTV giai đoạn 1 - 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con.

Tầm soát UTV tại Bệnh viện K.

Tầm soát UTV tại Bệnh viện K.

TS.BS Lê Thanh Đức khuyên, UTV có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, không loại trừ phụ nữ trẻ tuổi. Chính vì vậy, ngay cả những phụ nữ trong độ tuổi 20 cũng không nên chủ quan mà cần có các biện pháp phòng ngừa. Biện pháp tốt nhất là nên xây dựng chế độ ăn hợp lý, ít chất béo động vật, hạn chế thực phẩm lên men như dưa khú, mắm tôm, cá muối, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi; không ăn thực phẩm mốc, có phun thuốc trừ sâu; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; hạn chế dùng thuốc nội tiết tố nữ kéo dài ...

Đặc biệt, chị em nên học cách tự khám vú. Có đến khoảng 80 – 90% bệnh nhân UTV phát hiện có khối u khi ở giai đoạn 0 - 1 hoàn toàn có thể dùng tay sờ nắn để phát hiện. Hằng tháng sau kỳ kinh 7 ngày chị em nên tự kiểm tra bằng cách tự sờ nắn. Để thực hiện, nữ giới nên đứng trước gương, giơ hai tay lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út để xoa nắn xem vú có khối u hay tiết dịch bất thường không. Sau đó, chị em thực hiện các bước tương tự với tư thế nằm. Khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn, tránh chần chừ, kéo dài thời gian vì có thể làm cho cơ hội chữa bệnh thêm ít đi

Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát UTV định kỳ. 

Theo Đời sống
back to top