Mới đây sự việc Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức hội nghị “Lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” gây nhiều ý kiến trái chiều.
Tại hội nghị trên, học sinh được trao đổi, bày tỏ các quan điểm, ý kiến liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời được bổ sung kiến thức và hiểu biết thêm các quy định về đất đai, nhất là các quy định liên quan tới trẻ em.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy ý kiến của trẻ em vào Luật không đem lại ý nghĩa thực tiễn, thậm chí mang tính hình thức. Theo một số ý kiến khác, việc lấy ý kiến của trẻ em có thể đảm bảo quyền của trẻ em.
Hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây tranh cãi từ dư luận. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc trẻ em tiếp xúc với pháp luật, làm quen với hoạt động xây dựng pháp luật là tốt chứ không có gì xấu. Hoạt động lấy ý kiến trẻ em đối với các dự án luật là chuyện hiếm gặp ở Việt Nam nhưng không phải không có cái lý của nó.
Theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng luật sẽ lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân mà không có quy định nào loại trừ đối tượng là trẻ em.
Luật trẻ em cũng có nhiều quy định về việc trẻ em được tham gia vào các hoạt động văn hóa, kinh tế, chính trị. Được quyền nêu ý kiến của mình về chính sách, pháp luật và được quyền tham gia các hoạt động xã hội ở mức độ hiểu biết và phù hợp với độ tuổi.
Luật đất đai là văn bản pháp lý quan trọng, ghi nhận nhiều nội dung trong đó có quyền sử dụng đất. Pháp luật quy định quyền sử dụng đất của hộ gia đình, việc quyết định phải do các thành viên từ 15 tuổi trở lên thống nhất. Bởi vậy, với quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình trong đó có trẻ em 15 tuổi, các em cũng cần hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện cho đúng, đảm bảo quyền lợi của trẻ em
Ngoài ra, luật Trẻ em cũng có quy định về việc trẻ em có quyền có tài sản. Xã hội ngày nay không ít những trường hợp bố mẹ, ông bà muốn cho con cháu nhà đất, luật cho phép trẻ em được sở hữu nhà đất và người giám hộ đứng tên. Vấn đề này trong luật Đất đai cũng chưa quy định cụ thể dẫn đến khó thực hiện trên thực tế. Việc lấy ý kiến của trẻ em về vấn đề này rất quan trọng, thể hiện tâm tư nguyện vọng của trẻ em về quan điểm ý kiến của các bậc phụ huynh.
“Thực tiễn hành nghề luật sư, bản thân tôi gặp rất nhiều trường hợp vợ chồng ly hôn muốn dùng toàn bộ nhà đất cho con nhưng con còn nhỏ nên thủ tục đứng tên của con trên thực tế là rất khó khăn do luật quy định chưa cụ thể, vẫn cần phải có người giám hộ, khi đó hai bên không tin tưởng nhau nên rất khó thực hiện thủ tục”, luật sư Cường cho biết.
Luật Trẻ em và Bộ luật Dân sự đều quy định trẻ em có quyền có tài sản phải được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Trong số các loại tài sản, đất đai là tài sản có giá trị lớn, trẻ em cũng cần có những hiểu biết nhất định về luật đất đai, về Quyền trẻ em trong đó có quyền sử dụng đất
Nhận định về hoạt động lấy ý kiến trẻ em trên, luật sư Cường cho rằng, chương trình do Hội Bảo vệ quyền trẻ em phối hợp với Cục Trẻ em triển khai tiến hành với góc nhìn của các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng bảo vệ trẻ em.
“Họ đưa những thông tin, những sự kiện cho trẻ em tiếp cận là một hoạt động ngoại khóa thú vị, có thể sẽ để lại nhiều ấn tượng, ký ức cho các em. Các em sẽ có những khái niệm ban đầu về pháp luật, về chính sách, có thêm những kiến thức về quyền trẻ em, có thể là cơ hội để xây dựng ước mơ trở thành các nhà làm luật, hoạt động xã hội...
Theo ông Cường, chúng ta không kỳ vọng trẻ em sẽ đóng góp những ý tưởng để xây dựng pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng. Nhưng hoạt động tuyên truyền về pháp luật đất đai, thăm dò ý kiến của trẻ em về quyền tài sản, về Luật Đất đai sẽ có những góc nhìn mới mẻ, sẽ có những ý tưởng chân thật, những nguyện vọng chính đáng của trẻ em.
Những nội dung này không bao giờ là thừa trong việc xây dựng pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng. Bộ luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình có nhiều nội dung liên quan đến quyền tài sản của trẻ em, trong đó có đất đai. Việc tuyên truyền để các em biết về luật đất đai, có ý kiến về luật đất đai là một ý tưởng táo bạo, tiến bộ. Nhưng những cái mới thì không dễ được sự đồng cảm của nhiều người.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tranh chấp đất đai và ý thức chấp hành pháp luật
Nguồn: THĐT