Trào lưu “đào Pi” ở Việt Nam: Nguy cơ tiền mất tật mang

(khoahocdoisong.vn) - Thông tin Việt Nam đứng thứ hai thế giới về độ phổ biến tiền ảo theo Khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu của Statista khiến không ít người bất ngờ. Tuy nhiên, sốt giá bitcoin đã kéo hàng nghìn người rủ nhau đi đào “Pi”, khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về mức độ gia tăng chóng mặt của loại tiền ảo này ở Việt Nam.

Giá trị ảo

Những ngày gần đây, cơn sốt giá bitcoin đã kéo theo tâm lý đầu tư vào tiền điện tử lên cao, nhiều người Việt đã kêu gọi bạn bè tham gia mạng lưới "Pi Network". Chỉ cần có mã mời của một thành viên để cài đặt ứng dụng trên điện thoại, đăng nhập và "điểm danh" sau mỗi 24h, người dùng đã có thể thu về những con số với đơn vị là Pi. Sau khi phần mềm được cài đặt vào điện thoại, tốc độ “khai thác” Pi Coin mặc định sẽ là 0,12 Pi/h. Để tăng tốc độ “đào” Pi, người chơi phải xác thực danh tính cá nhân (KYC) và giới thiệu thêm thành viên. Ở bước xác thực danh tính, người chơi buộc phải điền các thông tin cá nhân  như ảnh chụp passport, số điện thoại, email...

Chị Thu Hương, một thành viên tham gia Pi Network cho biết, xu hướng tiền kỹ thuật số sẽ thay thế tiền giấy. Giống như bitcoin ban đầu cũng bị nói là lừa đảo nhưng không thể phủ nhận bây giờ giá trị là thực. Bitcoin ban đầu cũng không mất tiền, khi nhiều người chơi mới có giá trị trao đổi. Pi đang được kỳ vọng là đồng tiền điện tử thế hệ mới, thay thế bitcoin...

Với sự lôi kéo rầm rộ, tiền ảo Pi Network đến nay đã thu hút được khoảng 13 triệu người đào ngày đêm. Theo các chuyên gia công nghệ, muốn đào nhanh và nhiều Pi, người chơi phải KYC và mời được nhiều thành viên tham gia. Đây là một hình thức mở rộng mạng lưới quảng cáo theo mô hình đa cấp và trả cho người tham gia những con số ảo.

Trang mạng The Coins Post đã phân tích, Pi khác với các ứng dụng tiền điện tử thông thường khi xin hàng loạt quyền truy cập từ ID thiết bị, thông tin cuộc gọi, danh bạ, bộ nhớ, chạy khi khởi động, chặn ứng dụng khác, xem kết nối mạng. Chuyên gia an ninh mạng Phạm Hoài Nam cảnh báo, với hàng loạt quyền truy cập từ ID, người chơi có thể bị đánh cắp mật khẩu, đọc tin nhắn mã ngân hàng… Đặc biệt, ứng dụng Pi còn bị phát hiện liên tục gửi các gói dữ liệu bất thường tới bên thứ ba là “socialchain.app” và “rayjump.com”.

Theo các chuyên gia IT, thực tế hiện nay Pi chưa được định giá. Những người tham gia Pi và cả đội ngũ vận hành nền tảng này chưa thể khẳng định Pi có giá bao nhiêu, khi nào được đưa lên sàn giao dịch. Giá trị của Pi lúc này chỉ là sự kỳ vọng “ảo” vào tương lai chưa xác thực.

Theo TS Cấn Văn Lực, giá tiền ảo nói chung và bitcoin nói riêng có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn nhờ lực hỗ trợ từ một số yếu tố gồm nhu cầu của các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, mức độ chấp nhận rộng hơn của các định chế tài chính và nguồn cung hạn chế. “Hiện nguồn cung lưu hành của bitcoin là 18,5 triệu bitcoin, gần đến hạn cung tối đa 21 triệu bitcoin theo quy định. Nguồn cung tiền bitcoin có giới hạn trong khi nhu cầu mua tăng khiến đồng tiền này càng tăng giá mạnh”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Do đó, câu hỏi lớn nhất được giới đầu tư đặt ra là: nếu muốn thay thế bitcoin, tại sao Pi vẫn chưa được sinh ra từ công nghệ blockchain - công nghệ "xương sống" của thế giới tiền mã hóa. Trong trường hợp sau này, nếu Pi có giá trị trên các sàn giao dịch, điều gì đảm bảo đội ngũ tạo ra Pi không tự in cho mình hàng triệu Pi để tiêu dùng? Và Pi có giống bitcoin chỉ giới hạn 21 triệu đơn vị hay muốn bao nhiêu có bấy nhiêu?”.

Bị đóng dấu “lừa đảo”

Chuyên gia công nghệ blockchain Vinh Nguyễn, quỹ đầu tư đồng sáng lập Coin98 cảnh báo, bitcoin được đảm bảo giá trị bởi năng lực giải mã của máy đào. Giá bitcoin sẽ gồm chi phí sản xuất như điện, phí đầu tư máy đào cùng giá trị kỳ vọng của cộng đồng. Trong khi đó, giá trị Pi được định đoạt hoàn toàn dựa trên giá kỳ vọng. Bitcoin xây dựng trên công nghệ blockchain, phân quyền. Có nghĩa không ai có thể điều chỉnh cách bitcoin hoạt động. Trong khi đó, Pi đang nằm trong tay một tổ chức với hàng chục triệu người tham gia.

Phân tích ứng dụng, chuyên gia IT Phạm Hoài Nam cũng cảnh báo, Pi Network có rất nhiều dấu hiệu “đáng nghi”. Người đào Pi bị lợi dụng thông tin cá nhân, mất tài nguyên của điện thoại, có thể mất thông tin khác trong máy. Bên cạnh đó, để mở rộng lôi kéo người khác, thành viên của Pi Network phải mất thời gian, công sức, thậm chí “tiền cà phê” để lôi kéo người khác vào hệ thông, khá giống mô hình đa cấp.

Các loại tiền điện tử áp dụng công nghệ blockchain có sử dụng các khóa riêng tư (private key) để xác thực. Pi Network chỉ có tài khoản mà không có private key, không có địa chỉ ví, tiền không được mã hóa làm sao tiêu hay giao dịch, chuyển đi được. Do vậy, Pi Network hiện không có chút giá trị nào vì mã nguồn đóng, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung. Một khi được lưu trên server, người quản trị có toàn quyền thay đổi, tạo ra bao nhiêu tùy thích.

The Coins Post đóng dấu scam (lừa đảo) cho dự án Pi Network.

The Coins Post đóng dấu scam (lừa đảo) cho dự án Pi Network.

Năm 2020, trang The Coins Post đã đưa ra khuyến cáo người tham gia Pi Network chỉ được tặng Pi chứ không thật sự là một phần của mạng lưới tiền kỹ thuật số. Pi Network hoàn toàn không liên quan đến ngành khai thác tiền điện tử. Bằng việc thưởng cho người tham gia những điểm số chưa có giá trị, đội ngũ sáng lập Pi đã thành công trong việc xây dựng cộng đồng và khuyến khích họ giao thông tin cá nhân và quyền truy cập điện thoại. Trang The Coins Post kết luận Pi là dự án lừa đảo theo mô hình đa cấp và đóng dấu scam (lừa đảo) cho dự án Pi Network.

Thời gian gần đây, cơ quan công an liên tiếp nhận được tố giác của nhiều người dân bị lừa nộp tiền mua tiền ảo như bitcoin, USDT... Theo đó, đối tượng kêu gọi đầu tư tiền ảo nhưng núp bóng phương thức lừa đảo đa cấp, lợi dụng tính ẩn danh trên internet, dùng máy chủ ở nước ngoài để xóa dấu vết.

Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo là hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định trong Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư vào tiền ảo khi loại hình này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư.

Theo Đời sống
back to top