<div> <p class="Normal">Trong lúc đang làm việc qua Zoom hồi tháng 2, Brett Williams, 33 tuổi, luật sư ở Orlando, bang California, đột nhiên nhận ra cuộc sống của mình là "ngồi 10 tiếng mỗi ngày với cảm giác đau khổ".</p> <p class="Normal">"Mình có gì để mất? Tất cả chúng ta có thể chết vào ngày mai", anh nghĩ và ngay ngày hôm sau quyết định nộp đơn xin <span>nghỉ việc</span>, bỏ lại mức lương cao ngất ngưởng để nhận việc tại một công ty nhỏ với mục tiêu có nhiều thời gian cho vợ và con chó của mình. "Tôi vẫn là một luật sư. Nhưng tôi đã không còn hào hứng đến mức làm việc tối ngày", anh nói.</p> <p class="Normal">Có một trào lưu đang xảy ra trong thế hệ Millennial (những người sinh từ 1981-1996), sau một năm cắm đầu vào laptop - họ quyết định mạo hiểm. Một số quyết định bỏ công việc ổn định để bắt đầu khởi nghiệp hoặc chuyển sang một công việc nhẹ nhàng hơn. Một số khác phản đối thông báo quay lại văn phòng của công ty và dọa nghỉ việc trừ khi được làm ở đâu họ muốn.</p> <p class="Normal">Một phần động lực khiến họ "làm liều" là do đã có vaccine, tài khoản tiết kiệm một năm ở nhà tăng lên. Phong trào này hình thành trong dân văn phòng Mỹ vài tháng gần đây, được gọi YOLO (tạm dịch: Đời chỉ sống một lần).</p> <figure class="tplCaption"> <div class="fig-picture"><picture><img alt="Có một bộ phận dân văn phòng Mỹ chán nản với áp lực công việc nên đang muốn nghỉ, để chọn lối sống YOLO. Ảnh: Thestar." src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/29/i1-giadinh-vnecdn-net_quitjob-9530-1619486011.jpg" /></picture></div> <figcaption itemprop="description"> <p class="Image">Có một bộ phận dân văn phòng Mỹ chán nản với áp lực công việc nên đang muốn nghỉ, để chọn lối sống YOLO. Ảnh:<em> Thestar.</em></p> </figcaption> </figure> <p class="Normal">Olivia Messer, một cựu phóng viên của <em>The Daily Beast</em>, cũng đã nghỉ việc vào tháng Hai, sau khi nhận ra một năm bao trùm <span>đại dịch </span>khiến cô kiệt sức. Nữ phóng viên 29 tuổi chuyển từ Brooklyn đến Sarasota gần nhà cha mẹ. Kể từ đó, cô viết lách tự do cũng như theo đuổi các sở thích như vẽ tranh và chèo kayak. Cô thừa nhận sự thay đổi đã giúp cô "tìm lại cảm giác sáng tạo mới mẻ về cuộc sống".</p> <p class="Normal">Một cuộc khảo sát gần đây của Microsoft cho thấy hơn 40% người lao động trên toàn cầu đang cân nhắc nghỉ việc trong năm nay. Blind, một mạng xã hội ẩn danh phổ biến với dân công nghệ, gần đây đã phát hiện 49% người dùng có kế hoạch kiếm một công việc mới.</p> <p class="Normal">Christina Wallace, giảng viên cao cấp tại trường Kinh doanh Harvard cho biết: "Tất cả đã có một năm để đánh giá đây có phải là cuộc sống chúng ta muốn hay không. Đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, người được cho phải làm việc chăm chỉ, trả hết các khoản vay và một ngày nào đó sẽ tận hưởng cuộc sống của mình. Rất nhiều người trong số họ đang đặt câu hỏi: Nếu muốn hạnh phúc ngay bây giờ thì sao?".</p> <p class="Normal">Lo lắng trước làn sóng nghỉ việc, các công ty đang cố gắng nâng cao tinh thần và ngăn chặn tình trạng kiệt sức cho nhân viên. LinkedIn gần đây đã cho phần lớn nhân viên nghỉ một tuần có lương, trong khi nhân viên Twitter được nghỉ thêm một ngày mỗi tháng để "nạp năng lượng". Credit Suisse đã cho các nhân viên của mình một khoản phụ cấp, trong khi Houlihan Lokey, một công ty khác ở Phố Wall, bao trọn kỳ nghỉ cho đa số nhân viên.</p> <p class="Normal">Tăng lương và thời gian nghỉ có thể thuyết phục một số nhân viên ở lại làm việc. <strong>Nhưng với một số người, tình trạng trì trệ mới là vấn đề và giải pháp duy nhất là phải thoát ra.</strong></p> <p class="Normal">"Có cảm giác như đã bị bó buộc trong sự nghiệp cả chục năm qua và đây là cơ hội để thay đổi", Nate Moseley, 29 tuổi, nhân viên một cửa hàng bán lẻ quần áo lớn, nói. Gần đây, anh đã bỏ công việc 130.000 USD mỗi năm.</p> <p class="Normal">Anh đã lập một danh sách với tựa đề "Khủng hoảng cuối những năm 20", trong đó điền kế hoạch tiếp theo của mình: Tham gia một lớp học lập trình, đào tiền ảo Ethereum, tham gia một chiến dịch chính trị năm 2022, chuyển đến Caribe và mở một công ty du lịch. Anh thường xuyên xem xét, bổ sung những ưu và nhược điểm mới cho mỗi lựa chọn. "Ý tưởng quay trở lại thiết lập trước Covid có vẻ không hấp dẫn lắm sau một năm đã qua. Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ tôi mới làm được điều này?", anh nói.</p> <p class="Normal">Có thể một số những người này sẽ trở lại công việc nếu hết tiền tiết kiệm hoặc khởi nghiệp thất bại, nhưng tinh thần liều lĩnh dường như vẫn đang lây lan. Một phần, đó là vì ngày nay có nhiều chấp nhận rủi ro hơn bao giờ hết.</p> <figure class="tplCaption"> <div class="fig-picture"><picture><img alt="Ngày càng có nhiều người trẻ muốn chấp nhận rủi ro. Ảnh: Medium." src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/29/i1-giadinh-vnecdn-net_1-doqdfottq3v4yq9doo7azq-jpeg-1643-1619486011.jpg" /></picture></div> <figcaption itemprop="description"> <p class="Image">Ngày càng có nhiều người trẻ muốn chấp nhận rủi ro. Ảnh: <em>Medium.</em></p> </figcaption> </figure> <p class="Normal">Trợ cấp vì ảnh hưởng của Covid-19, trợ cấp thất nghiệp tăng và sự bùng nổ thị trường chứng khoán cho phép nhiều người lao động cơ hội kiếm tiền hơn. Nhiều lĩnh vực hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, có nghĩa là người lao động có thể dễ dàng tìm được việc làm mới nếu họ cần. Đại dịch cũng tạo ra nhiều việc làm ở vùng sâu xa hơn. "Trong 18 đến 48 tháng tới, nhân viên có khả năng đàm phán với chủ doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Cá nhân tôi, nếu không hài lòng với tình trạng việc làm hiện tại, sẽ có rất nhiều lựa chọn", Johnathan Nightingale, một tác giả và là đồng sáng lập của Raw Signal Group, một công ty đào tạo quản lý cho biết.</p> <p class="Normal">Tất nhiên, không phải mọi nhân viên kiệt sức sẽ bỏ việc. Đối với một số người, một kỳ nghỉ kéo dài hoặc một tuần làm việc linh hoạt hơn có thể dập tắt khát khao phiêu lưu của họ. Một số người lao động lại thích trở lại văn phòng để cân bằng cuộc sống.</p> <p class="Normal">Một giám đốc điều hành của một công ty công nghệ lớn giấu tên, cho biết cô và chồng đã thảo luận nghỉ việc trong những tuần gần đây. Đại dịch đã dạy rằng họ đã quá an toàn với những lựa chọn trong cuộc sống và bỏ lỡ thời gian quý giá cho gia đình.</p> <p class="Normal">Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, cô gửi đến một câu nói của đức Phật về sự vô thường và giá trị của việc nhận ra không có gì tồn tại mãi mãi. Hoặc, nói một cách dễ hiểu hơn là YOLO - Đời chỉ sống một lần.</p> <p class="Normal"><strong>Bảo Nhiên </strong>(Theo <em>Nytimes</em>)</p> </div> <p> </p>