Tránh xa 6 thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh làm suy nhược thể chất và tinh thần, làm mất đi năng lượng, sự tập trung và niềm vui của mỗi người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê cứ 20 người bình thường có một người từng rơi vào giai đoạn trầm cảm. Phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm cao gấp đôi nam giới. Có nhiều yếu tố khác nhau tác động, góp phần làm tâm trạng của một người bị ảnh hưởng kéo dài dẫn đến trầm cảm.

Có những người luôn cảm thấy chán nản với thực tại cuộc sống của bản thân dù họ đang có điều kiện sống tốt hơn nhiều người khác. Họ có sự nghiệp tốt nhưng không tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Họ thấy gia đình mình không hề hạnh phúc mà còn nhiều thiếu sót...

Tránh xa 6 thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm. Ảnh minh họa

Tránh xa 6 thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm. Ảnh minh họa

Thực tế đôi khi một số thói quen sống không lành mạnh có thể dần dần dẫn đến trầm cảm. Nếu những thói quen xấu này được phát hiện và sửa chữa kịp thời thì nguy cơ trầm cảm có thể giảm bớt.

Chế độ ăn không hợp lý

Ăn uống lành mạnh không chỉ tốt cho cơ thể mà còn tốt cho trí não. Những thực phẩm chứa chất béo omega-3 được xem là những “thực phẩm bổ não” vì chúng có vai trò thiết yếu đối với mô não khỏe mạnh.

Cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất những chất béo này, vì thế phải lấy chúng từ thức ăn. Khi bạn không ăn những thực phẩm chứa đủ lượng chất béo omega 3, thì não sẽ dễ bị tổn thương trước sự tấn công của bệnh trầm cảm. Những thực phẩm như thịt thú rừng, cá nước lạnh và hải sản là nguồn chất béo này tốt nhất.

Ngoài ra còn có nhiều loại thực phẩm bổ sung. Mặc dù những chế phẩm này không phải lúc nào cũng ngon miệng, nhưng chúng giúp cho bộ não khỏe mạnh và ngăn ngừa sự tấn công của bệnh trầm cảm.

Bạn cũng cần luôn nhớ rằng các thói quen xấu trong ăn uống cũng có vai trò đưa đến bệnh trầm cảm. Khi ăn uống lành mạnh, trí óc cũng sẽ lành mạnh.

Suy nghĩ tiêu cực

Suy nghĩ tiêu cực là một trong những nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm. Nếu bạn không ngừng suy nghĩ về các mối đe dọa, những lời từ chối, sự mất mát hay thất bại thì chắc chắn bạn sẽ bị trầm cảm.

Có nhiều việc xảy ra xung quanh nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, vì vậy không cần phải “bám víu” những suy nghĩ của bạn vào chúng. Suy nghĩ về những chuyện bạn không thể thay đổi được không chỉ dẫn tới bệnh trầm cảm, mà còn có thể sẽ khiến bạn “phát điên” lên. Điều quan trọng là bạn phải luôn cố gắng nghĩ về những điều tích cực hơn, thay vì mãi “gặm nhấm” những chuyện đã qua.

Rối loạn giấc ngủ và thường bị stress

Nếu bạn liên tục bị mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, đây chính là điều kiện lý tưởng cho bệnh trầm cảm.

Các chuyên gia y tế và các bác sĩ khuyên bạn nên ngủ ít nhất 7 đến 8 giờ mỗi đêm.

Nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn trở nên dễ dàng bị kích động và hoang tưởng. Điều này chính là nền tảng của trạng thái trầm cảm mà bạn đang mắc phải. Ngoài ra, những người không ngủ đủ giấc sẽ không thể tập trung trí não để làm việc.

Tuy nhiên, những người bị mất ngủ lại thường tìm đủ mọi cách để ngủ ngon mà không có kết quả, điều này làm cho chúng ta căng thẳng, lo lắng và áp lực.

Chu kỳ quay vòng này lại làm cho bệnh trầm cảm trở nên nặng nề hơn.

Trên thực tế, chính bản thân chúng ta đang làm trầm trọng hóa tình trạng bệnh của mình. Đáng ra, chỉ cần một giấc ngủ ngon và sự thoải mái, bệnh trầm cảm sẽ bị đẩy lùi.

Nghiện mạng xã hội

Nhiều người nhìn thấy cuộc sống đầy màu sắc của người khác nhưng cuộc sống của chính mình lại tẻ nhạt. Dần dần, người đó mất sự cân bằng tâm lý, dẫn đến lo lắng, tự ti và trầm cảm. Thay vì lãng phí thời gian ghen tị với người khác, tại sao không dành nhiều thời gian hơn để quản lý cuộc sống của chính mình. Chúng ta có thể cố gắng giảm thời gian sử dụng mạng xã hội, ra ngoài nhiều hơn và tìm những việc mình thích làm.

Lười vận động

Việc tập thể dục hoặc làm các công việc yêu thích sẽ nâng cao tâm trạng và bớt cảm thấy chán nản. Khi hoạt động thể chất, não sẽ tiết ra các hóa chất có lợi cho sức khỏe như: endorphin và endocannabinoids có thể làm giảm bớt cảm giác trầm cảm. Mặt khác, nỗ lực tinh thần sẽ làm tâm trạng luôn sảng khoái, tạo hứng thú cho công việc được hoàn thành một cách tốt hơn, từ đó đẩy lùi được căn bệnh trầm cảm và lo âu.

Thời gian tiếp xúc với những người tiêu cực quá nhiều

Đôi khi, những nhận xét, chỉ trích tiêu cực từ bạn bè, cấp trên hoặc những người quan trọng khác có thể mang lại cho bạn lợi ích tích cực nhiều hơn trong cách suy nghĩ và hành động. Nhưng khi hàng ngày, phải tiếp xúc quá nhiều với những người thường xuyên phát ra những năng lượng tiêu cực, có thể làm tăng nguy cơ cảm thấy chán nản, hụt hẫng và đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.

Theo Đời sống
back to top