Nhiều loài công trùng truyền bệnh cho người qua việc chúng bám vào thức ăn. Đối với ruồi, do cấu tạo ở chân chúng có rất nhiều lông tơ, nên khi đậu, vi khuẩn dễ dàng bám dính để chúng đem đi phát tán khắp mọi nơi. Chúng được coi là côn trùng truyền bệnh giống như kiến, gián…
Theo GS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, vi khuẩn do ruồi phát tán thường nguy hiểm do môi trường sống của loài này khá rộng, đa số là những nơi bẩn thỉu như bãi rác, xác thối… Việc để ruồi xâm nhập vào thức ăn chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ thức ăn cũng bị nhiễm khuẩn, khi ăn sẽ rất dễ bị lây nhiễm. Việc ăn những thức ăn có ruồi đậu có thể không chết người, nhưng chắc chắn là không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất thức ăn nên được che đậy cẩn thận, tránh ruồi bám.
Để loại bỏ nguy cơ ruồi đậu vào thức ăn, cách tốt nhất là phải làm cho nhà bếp trở thành nơi “khiếp sợ” của ruồi. GS Bùi Công Hiển cho biết, có thể rắc hạt tiêu đen trong bếp để ruồi tránh xa. Rắc vào kẽ tường, bếp để chúng bay đi. Hoặc có thể sử dụng bạc hà tươi hoặc sấy khô để đuổi ruồi hay cắt nhỏ lá bạc hà rồi thả vào cốc nước và đặt trên bàn hoặc cửa sổ cũng khiến ruồi không dám “bén mảng”. Cây húng quế cũng có thể đuổi rồi, chỉ cần trồng một chậu húng quế trên bàn ăn là có tác dụng. Hoặc nhanh hơn thì định kỳ phun tinh dầu xả vào khu bếp cũng là một cách hữu ích.
Ngoài ra, không được tích trữ rác khu vực bếp. Khi nấu ăn xong phải lau dọn sạch dầu mỡ, gói kỹ đồ ăn thừa để tập trung vào một nơi và bỏ ra khu tập kết rác. Đồ ăn thừa nên đậy kín. Đồ ăn chế biến rồi mà chưa dùng phải có lồng bàn đạy. Trường hợp nhà có quá nhiều ruồi thì phải xem môi trường xung quanh thế nào, có các khu vực chăn nuôi, rác thải hay không…