Không nên nghĩ nay ăn, mai nhịn.
Hạn chế các bữa ăn thịnh soạn
Ông Nguyễn Hoài Bắc (Hà Nội) thường xuyên dự có các bữa tiệc chiêu đãi, nhậu cùng bạn bè, nhất là tham gia nhiều đám cưới, lễ lạt… với những bữa ăn thịnh soạn vào dịp này. Không những thế, về nhà còn ông được vợ con chuẩn bị những bữa ăn nhiều món, đảm bảo dinh dưỡng. Thế nhưng, từ khi ông phát hiện bị bệnh mạch vành, bác sĩ khuyên cần hạn chế các bữa ăn thịnh soạn, nhiều chất dinh dưỡng quá.
Theo TS.BS Nguyễn Mai Ngọc, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, các bữa ăn thịnh soạn như “tích gió thành bão” ảnh hưởng sức khoẻ do ăn quá nhiều chất đạm, chất béo cũng như uống các loại rượu, bia, nước ngọt. Khi ăn nhiều chất vào cơ thể có thể gây ra hai nguy cơ. Đó là người có cơ địa mẫn cảm với thức ăn, hệ men tiêu hóa kém không thể hấp thu hết được những thức ăn đưa vào gây viêm tụy cấp.
Nhiều người bị nặng phải vào viện cấp cứu ngay sau khi ăn. Trường hợp thứ hai là gây ra những biến chứng, ảnh hưởng sức khoẻ về lâu dài theo kiểu “giọt nước tràn ly”. Ví dụ, các chất đạm tích không chuyển hóa hết gây nên bệnh gút, còn những người đang trên nền điều trị bệnh thì sẽ bị đau gút cấp. Lượng cholesteron từ bữa ăn thịnh soạn sẽ tăng cao, làm khởi phát màng xơ vữa mạch. Những người đang bị tim mạch, thì đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển bệnh.
“Những người bị xơ vữa thành mạch đang ổn định, có thể vì ăn uống quá thịnh soạn vài bữa làm tăng các nguy cơ hơn như nhịp tim và huyết áp thay đổi gây mảng xơ vữa biến động nên nứt, vỡ khiến bệnh nặng hơn”, TS.BS Nguyễn Mai Ngọc cho hay.
Còn theo BS Nguyễn Văn Hòa, nguyên cán bộ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), một bữa ăn thịnh soạn được hiểu là có chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin… với nhiều món ăn khác nhau. Trong đó, các món ăn chứa nhiều đạm và chất béo được chú trọng nhiều, theo quan niệm của nhiều người hiện nay.
Nhưng ăn nhiều đạm và chất béo vào cơ thể không tốt như nhiều người nghĩ. Đó là chất đạm khi vào cơ thể không tiêu hóa hết sẽ đào thải ra ngoài, kèm theo đó kéo theo các hệ lụy là các bộ phận như gan, thận, tim mạch… phải làm việc nhiều để tiêu hóa, hấp thu, sàng lọc các chất.
Vì thế, dẫn đến nguy cơ phải làm việc quá tải, lâu dần gây nên suy giảm chức năng. Đấy là chưa kể, khi làm việc các bộ phận có thể bị tích lũy các chất độc hại gây nhiễm độc. Như gan bị nhiễm mỡ do chứa rượu, bia, chất béo…
Nhiều người buổi sáng không ăn nhằm để bữa trưa được ngon miệng hơn khi có tiệc cũng không khoa học. Buổi sáng là khi cần cung cấp năng lượng cho cơ thể, còn bữa trưa chỉ ăn vừa đủ. Nếu nhịn ăn, cơ thể sẽ suy kiệt, dạ dày bị tổn thương do axit tiết ra. Thay vào đó, nên ăn sáng đầy đủ (nhiều người đùa là thịnh soạn) còn bữa trưa giảm dần.
Cân đối các bữa ăn
Theo các chuyên gia, vào dịp cuối năm nên các bữa tiệc, nhậu nhẹt nhiều hơn dẫn đến nguy cơ đến sức khoẻ càng tăng cao. Không nên có quan niệm “hôm nay ăn, ngày mai nhịn” hay ăn giảm các chất. Đây là cách suy nghĩ đơn giản và không khoa học. Thay vào đó, nên ăn cân đối các bữa.
Khi có liên hoan, tiệc tùng vẫn có thể tham gia nhưng nên giữ cân bằng, tránh ăn quá nhiều chất. Nhất là những người đã có tiền sử các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, mỡ máu… Bởi với một số người, một bữa ăn cũng có thể gây nên những nguy hại nhất định. Đấy là chưa kể, việc ăn uống thất thường có thể gây nên những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể từ đó sức khoẻ cũng không ổn định.
Hà Linh