Tránh mỗi địa phương làm một kiểu khi "sống chung với Covid-19"

Trong phiên thảo luận tổ, một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc thiếu thống nhất trong cách làm của nhiều địa phương khi chuyển trạng thái sống chung với Covid-19.

Sáng 21/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phòng, chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.

Đánh giá việc Chính phủ xác định chuyển từ tư duy “zero Covid” sang sống chung với Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thực chất trong từng cơ quan, địa phương và từng cá nhân chưa định hình rõ tư duy sống chung với Covid-19. Lý do là vì vẫn còn những sự lo sợ nhất định.

Vậy cách thức sống chung để ứng phó với từng ngành, từng địa phương như thế nào, tránh việc ở địa phương này thì làm theo kiểu này, địa phương kia làm theo kiểu khác?

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ phải chỉ đạo một cách quyết liệt, coi đây là vấn đề kỷ cương, kỷ luật, là nhiệm vụ chính trị của các ngành, các địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho rằng, có thể mỗi địa phương có cách làm khác nhau nhưng cần sự thống nhất trong chỉ đạo.

Chứ không phải có địa phương khi vào cần kết quả xét nghiệm PCR, có nơi chỉ cần xét nghiệm nhanh. Hay như giá xét nghiệm nhanh cũng khá “loạn”.

thao-luan-to(1).jpeg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) phát biểu tại tổ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, mặc dù quan điểm của Trung ương là xác định sống chung với dịch, phát triển kinh tế với tinh thần bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết, nhưng đã đến lúc chúng ta không thể thiệt hại thêm về kinh tế nữa.

Đồng thời, quy định ở địa phương cũng nên ngắn gọn, dễ hiểu để bảo đảm hiệu quả cao. Và mỗi quyết định đưa ra cần đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân, chứ không chỉ đáp ứng cho một bộ phận nhỏ người dân.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Bình Dương) nêu ý kiến, chúng ta đã mở cửa rồi thì không thể còn là “zero Covid” nữa, mà phải có giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Ví dụ, một chuyến bay mà đầu này mở, đầu kia đóng thì làm sao gọi là liên thông được?.

“Điều này cần một tư duy đúng và hành động quyết liệt, cụ thể. Việc mở cửa đến đâu phải chắc đến đấy, tùy thuộc lớn vào việc kiểm soát an toàn dịch bệnh”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Theo Đời sống
back to top