Hiểu lầm về bản quyền
Liên quan đến vụ việc nhạc sĩ Giáng Son bức xúc vì bị YouTube “đánh gậy bản quyền”, BH Media vừa chính thức đưa ra lời giải thích.
Đại diện BH Media cho biết, thông báo mà nhạc sĩ Giáng Son nhận được không phải là "đánh gậy bản quyền", chỉ là thông báo tự động từ Youtube để các bên đối soát bản ghi, không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son.
Ông Nguyễn Hải Bình, Giám đốc BH Media cho hay, sau khi nhận được ý kiến từ nhạc sĩ Giáng Son, đơn vị này đã "nhả xác nhận bản quyền ngay lập tức". Đơn vị BH Media cũng đã liên hệ với nhạc sĩ Giáng Son để giải quyết khúc mắc, song chị từ chối làm việc trực tiếp và cho biết đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) giải quyết. Tuy nhiên đến nay BH Media chưa nhận được thông báo nào từ VCPMC.
Đại diện BH Media cho rằng, đây chỉ là một sự hiểu lầm của nhạc sĩ Giáng Son về bản quyền trên YouTube. Những hiểu lầm về quyền tác giả, quyền bản ghi rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các nghệ sĩ lớn như Justin Bieber, Taylor Swift,... cũng đều có những hiểu lầm như vậy.
Theo luật, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành gồm 2 loại quyền tách biệt: Quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hoà âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; Quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm.
Luật bản quyền trên thế giới quy định, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần “quyền bản ghi”, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ “quyền tác giả” hay còn gọi là tác quyền.
Thông báo mà nhạc sĩ Giáng Son nhận được là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Những ai từng lập kênh YouTube đều ít nhiều trải nghiệm và hiểu. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau. Email thông báo mà nhạc sĩ Giáng Son nhận được cũng nói rõ không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của Giáng Son.
Đại diện BH Media cho biết, có hàng triệu bản ghi trên YouTube nên mỗi ngày máy dùng AI tự động quét trước, sau đó việc xác nhận bản quyền là con người sẽ làm việc với nhau. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi, là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và nhả (gỡ) xác nhận bản quyền khỏi video.
Người chơi cần nắm luật
Bà Lam Oanh, Trưởng phòng kinh doanh BH Media cho biết, là đơn vị kinh doanh và bảo vệ bản quyền âm nhạc trong môi trường số, BH Media hiện là đối tác của nhiều nền tảng số lớn trên thế giới như YouTube, Facebook, TikTok, Spotify.
Nhiều năm qua, BH Media đã ký kết hợp đồng với chủ sở hữu bản ghi để chuẩn hóa dữ liệu, đăng tải lên YouTube gần 100.000 bản ghi âm nhạc của các ca sĩ, các nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước.
Căn cứ trên cơ sở dữ liệu nhạc Việt BH Media cung cấp, YouTube mới có cơ sở để bảo vệ quyền tác giả cho các nhạc sĩ Việt Nam (đã ký kết với YouTube) và trả tiền tác quyền. BH Media đã góp phần không nhỏ trong việc giúp các tác giả ở Việt Nam thu được tiền bản quyền triệt để hơn.
Bản quyền nhạc số lâu nay vẫn là lĩnh vực có nhiều tranh chấp và vi phạm. Ngoài lý do, ý thức về bản quyền của xã hội chưa tốt, còn do lĩnh vực bản quyền nhạc số quá mới, ngay cả người làm nhạc cũng chưa nắm rõ quy định của các nền tảng số.
Nhạc sĩ Giáng Son rất có ý thức về bản quyền. Tác giả của ca khúc "Giấc mơ trưa" đã cẩn thận chuẩn bị một bản ghi - thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh Youube riêng. Tuy nhiên trên YouTube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác nữa.
Do đó, khi phát hiện bản ghi Giấc mơ trưa của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ Dương Thùy Anh (BH Media đã up lên trước đó) nên máy tính của YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son.
Tại Việt Nam và trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về “quyền bản ghi”, “quyền tác giả” và luật bản quyền trên YouTube. Nhạc sĩ tạo ra tác phẩm không có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV, nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự.
Theo nhạc sĩ Minh Châu, người chơi YouTube cần hết sức lưu ý tìm hiểu về vấn đề bản quyền âm nhạc để tránh bị “gắn cờ”, “đánh gậy” hay gặp những sự cố đáng tiếc... Bị "đánh gậy" tức là có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Bị đánh 3 gậy là sẽ bị khóa kênh.