Theo đại diện Bộ GD&ĐT, việc học sinh có được sử dụng điện thoại trên lớp hay không thuộc quyền quyết định của giáo viên, do giáo viên cho phép tùy vào từng bài học, điều kiện cụ thể. Chứ không phải quyền của học sinh là được sử dụng điện thoại trên lớp, và giáo viên phải cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp. Nội dung của thông tư đang bị nhiều người hiểu sai.
Bộ GD&ĐT giao quyền cho các thầy cô giáo
Ngày 15/9/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT - BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều đáng chú ý trong thông tư này, có nội dung liên quan đến việc học sinh sử dụng điện thoại trên lớp. Điều này đã gây ra những tranh cãi trái chiều trong dư luận.
Trong đó, luồng ý kiến phản đối cho rằng, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp sẽ khiến học sinh xao nhãng học tập, dùng điện thoại vào những mục đích khác như chơi game, nhắn tin rủ rê đánh nhau, xem phim, thậm chí là phim “nóng”, khiến học sinh nghiện điện thoại…
Quy định này cũng sẽ đẩy cái “khó” về phía giáo viên. Giáo viên không thể nào vừa giảng bài, lại vừa kiểm soát được học sinh xem các em có sử dụng điện thoại cho những mục đích khác ngoài học tập hay không. Cũng có những vùng khó khăn, học sinh không thể có điện thoại để dùng. Ngoài ra còn là vấn đề đồng bộ app…
Ra một quy định mà gây nhiều ý kiến phản đối như vậy, không hiểu Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến của giáo viên hay chưa, hay là một chính sách “quan liêu”? Liệu có “lợi ích nhóm” trong việc “móc ngoặc” với các công ty kinh doanh điện thoại trong việc ra quy định này hay không?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). |
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước hết, cần phải hiểu chính xác nội dung trong thông tư.
Cụ thể, tại điều 37, Thông tư 32, ở mục “các hành vi học sinh không được làm” quy định, một trong những hành vi mà học sinh không được làm đó là: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Theo thông tư, thì học sinh bị cấm không được sử dụng điện thoại khi học trên lớp nếu như không phục vụ cho việc học tập và không được sự cho phép của giáo viên.
Như vậy, Bộ GD&ĐT giao quyền cho giáo viên quyết định việc có cho học sinh sử dụng điện thoại hay không. Nếu trong giờ học đó mà giáo viên thấy không cần thiết phải dùng đến điện thoại, hoặc môn của mình chưa có đủ điều kiện thuận lợi thì không cho học sinh dùng. Thông tư không có câu nào ghi cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học và buộc giáo viên phải thực hiện điều đó.
Nội dung này nằm trong mục Những hành vi học sinh không được làm, chứ không phải là trong mục: Quyền của học sinh.
Về ý kiến cho rằng, các giáo viên phải lên một kế hoạch chi tiết về nội dung các môn học nào có thể được dùng điện thoại, để nhà trường thông qua, ông Thành cho biết, không cần phải phức tạp quá như vậy.
Bởi các thầy cô giáo là người soạn bài, có nhiệm vụ và quyền điều khiển lớp học, chịu trách nhiệm về tất cả những hoạt động của học sinh trong lớp mình phụ trách ở thời điểm đó, Bộ có quy định rồi. Như vậy, ở một bài học, hoạt động học cụ thể nào đó mà giáo viên thấy rằng học sinh không được phép dùng điện thoại thì học sinh sẽ không được phép dùng.
Ban hành thông tư đúng quy trình
Ông Thành cho biết, thông tư ra đời trên cơ sở tìm hiểu nghiên cứu rất kỹ lưỡng những kinh nghiệm của quốc tế, xu hướng của thời đại 4.0.
Theo đó, việc dạy học trực tuyến, sử dụng nguồn học liệu trên mạng, nguồn học liệu số đang trở nên phổ biến. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, học sinh phải nghỉ học do dịch Covid-19, nhưng các em vẫn học qua Internet, truyền hình, đảm bảo hoàn thành được chương trình và chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn về việc này, theo đúng tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”…
Vì vậy, Bộ GD&ĐT quyết định sửa thông tư liên quan đến việc sử dụng điện thoại trong lớp của học sinh, không cấm tuyệt đối học sinh nữa.
“Hiện nay, trong số 8 triệu học sinh, có rất nhiều em, ở nhiều môn học, và nhiều thầy cô ở những vùng thuận lợi, điều kiện đầy đủ, quản lý tốt, học sinh có ý thức tốt, tại sao lại cấm tuyệt đối? Việc cấm hoàn toàn trong thời đại này thì có hợp thời hay không?
Thay vào đó, cần hướng dẫn, quản lý để các em học sinh sử dụng một cách phù hợp, cả ở nhà và ở trường, không chỉ với điện thoại di động mà cả các thiết bị khác. Và "tự chủ và tự học" là một trong 3 năng lực cốt lõi của mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Thành nói.
Đối với việc ra văn bản, ông Thành cho biết, tất cả các thông tư của Bộ, theo quy trình ban hành văn bản quy phạm đều đăng mạng xin ý kiến rộng rãi hai tháng. Đối với thông tư này cũng vậy, và cho đến lúc ban hành thì thời gian thậm chí kéo dài đến 3 tháng.
Và trong quá trình đó, Bộ cũng đã có trao đổi với các địa phương, lấy ý kiến từ các Sở, tổ chức hai hội thảo một ở TP Hà Nội và một ở Bình Định, mỗi hội thảo gồm 10 sở, thảo luận rất kỹ lưỡng về việc này. Quy trình soạn thảo văn bản làm rất cẩn trọng vì có tác động tới nhiều thầy cô.
Bộ sẽ có trách nhiệm giải đáp để các giáo viên để cho giáo viên hiểu rõ thêm về quy định. Có thể có một nhóm người nào đó chưa hiểu, hoặc cố tình không hiểu thì rất mong mọi người đọc kỹ, hiểu văn bản trên tinh thần khách quan, không định kiến.
Ông Thành chia sẻ, nếu các thầy cô vẫn giữ phương pháp cũ, truyền thống, đó là đứng ở trên bục giảng để giảng bài thì học sinh làm gì bên dưới cũng khó quan sát được. Không chỉ điện thoại di động, mà còn là các thiết bị khác nữa.