Cột đồng Mã Viện
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ đánh giá, cột đồng Mã Viện là một trong những vụ trấn yểm nổi tiếng và bí ẩn nhất mọi thời đại. Các tài liệu xưa đều ghi lại đó là một cây cột đồng lớn trên có khắc sáu chữ Hán: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ không còn) do viên chỉ huy quân đội nhà Hán là Mã Viện sai làm từ các dụng cụ bằng đồng thu được của người Việt, và cho dựng sau khi chinh phục được cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng ở Giao Chỉ vào năm 43.
Mô tả cột đồng Mã Viện.
Việc làm này đã được nhiều sử gia Việt Nam và Trung Quốc quan tâm. Tuy nhiên, cột đồng Mã Viện có thật hay chỉ là lời truyền, và nếu có thì nó được dựng ở nơi đâu thì vẫn chưa có kết luận thỏa đáng. Sách Thủy Kinh chú sớ của Lịch Đạo Nguyên viết: Mã Văn Uyên đã cho dựng cái mốc đồng để làm giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc ngày nay. Mốc đồng ấy tức là cột đồng.
Tương tự, sách Đại Việt sử lược, là quyển sử thuộc hàng xưa nhất ở Việt Nam, cũng chép rằng: Mã Viện dựng trụ đồng làm ranh giới cuối cùng. Theo đó, cột đồng Mã Viện là có thật. Tuy nhiên, chỗ dựng thì xem ra khá mơ hồ. Chúng tôi tra trong các sách sử khác thì thấy có hai luồng ý kiến.
Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng ghi là cột đồng tương truyền dựng ở trên động Cổ Lâu, thuộc Châu Khâm. Tuy nhiên, từ điển Từ Hải (Trung Quốc) chỉ rõ nơi dựng cột, đó là núi Phân Mao ở động Cổ Sâm, tức núi Phân Mao ở phía tây Khâm Châu. Năm 1540, Mạc Đăng Dung cắt đất hiến cho nhà Minh nên từ đấy núi Phân Mao thuộc về đồ bản nhà Minh
Học giả Đào Duy Anh viết năm 1943 khẳng định cột đồng là có thật và được dựng ở núi Thành xã Hùng Sơn (Nghệ An). Học giả Đào Duy Anh tin tưởng lời phán đoán của mình là đúng vì nó gần ăn khớp với sự ghi chép của sách Ngô Lục và Tùy Thư. Tuy nhiên, không ít ý kiến phản bác đã đưa ra và cho rằng, đã là vật trấn yểm thì Mã Viện đủ khôn khéo để phao tin đánh lạc hướng người Việt.
Bùa yểm Cao Biền
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương cho biết, Cao Biền một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử gắn liền với những giai thoại trấn yểm khi bước chân sang Giao Châu vì thấy long mạch nước Nam rất vượng nên muốn phá đi.
Trại giam khám Chí Hòa nhìn từ trên cao.
Chuyện cổ thường hư cấu rằng, Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi xem địa thế. Thậm chí, còn giả lập đàn tế lừa thổ địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, chôn kim khí để triệt long mạch. Một buổi sáng, Cao Biền ra đứng ở bờ Lô Giang phía đông thành Đại La, thấy một trận gió lớn nổi lên cùng một vị thần cao hơn hai trượng chập chờn trên sóng nước.
Cao Biền sợ quá nên muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh. Ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép”. Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú phù yểm nhưng sấm động ầm ầm, kinh thiên động địa.
Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro bay tan trên không. Cao Biền kinh hãi, than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ” và sau đó cho lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ, chính là đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ngày nay.
Theo nhà nghiên cứu Tuấn Anh, có hàng trăm câu chuyện về việc Cao Biền trấn yểm nước Nam. Trong số đó, nổi tiếng là câu chuyện về sông Tô Lịch và các huyệt đế vương bị Cao Biền trấn yểm. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên xem đó là một giai thoại.
Sài gòn trước 1975
Nhà nghiên cứu Trung Trí cho biết, ở Sài Gòn trước năm 1975 có hai công trình hình bát giác được cho là biểu tượng phong thủy trấn yểm long mạch, đó là hồ Con Rùa và khám Chí Hòa. Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện này có khá nhiều giai thoại khác nhau.
Đền Bạch Mã.
Sau khi nhậm chức, Nguyễn Văn Thiệu đã cho người mời thầy địa lý từ Hồng Kông sang Việt Nam để trấn yểm Dinh Độc Lập. Thầy này phán rằng Dinh Độc Lập được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng rơi vào vị trí Công trường Chiến sĩ trận vong. Cần phải dùng một con rùa lớn trấn yểm đuôi rồng lại thì sự nghiệp của tổng thống mới mong bền vững.
Ngay sau đó, tổng thống Thiệu cho người xây hồ nước theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ gồm bốn đường đi bộ xoắn ốc hướng đến khu vực trung tâm đài tưởng niệm và con rùa bằng hợp kim đội bia đá. Khu vực trung tâm còn có một cột cao được xem như một chiếc đinh lớn đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại. Tuy nhiên, đầu năm 1976 tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ.
Lại có giai thoại khác về hồ Con Rùa gắn liền với nguồn gốc xây Dinh Độc Lập, lấy núi giả trong Thảo Cầm Viên làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy, tạo thế long chầu, hổ phục. Người Pháp biết điều này, liền cho xây nhà thờ Đức Bà mặt trước bên phải Dinh, hòng phá chữ. Do vậy mà sau này thổng thống Thiệu đã xây thêm hồ Con Rùa để phá thủy, làm nước phun lên cao.
Công trình kiến trúc khác được cho là biểu tượng phong thủy thứ hai của Sài Gòn là trại giam Chí Hòa xây dựng từ năm 1943. Kiến trúc của Khám Chí Hoà vô cùng độc đáo và được thiết kế theo thuyết ngũ hành bát quái do kiến trúc sư người Nhật Bản đảm nhiệm. Khám cao ba tầng có hình bát giác với 8 cạnh đều, 8 góc tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch.
Theo nhà nghiên cứu Trung Trí, khám Chí Hòa được xây dựng dựa trên mô hình trận đồ bát quái của Gia Cát Lượng. Ngay tâm của bát quái trận đồ cũng có một đài phun nước như cột yểm của hồ Con Rùa được gọi là “tru tiên kiếm”. Mô hình bát quái này khiến cho những tên tội phạm xảo quyệt, tinh ranh nhất dù có ra được khỏi phòng giam cũng không biết trốn theo đường nào. Nhưng nếu “tru tiên kiếm” bị nhổ lên, phá đi thì toàn bộ thiết kế kiểu trận đồ bát quái sẽ không còn tác dụng.
Chính lối kiến trúc nhuốm màu sắc huyền linh này khiến người ta gọi lối vào duy nhất của khám Chí Hòa là cửa Tử. Nghĩa là đã vào rồi thì không có cách nào để nhận biết đường ra nếu không thông lý số, kinh dịch. Có lẽ đó là lý do mà lịch sử khám Chí Hòa chỉ có 2 trường hợp vượt ngục thành công. Một là những người tù cách mạng năm 1945; hai là Phước “tám ngón” vượt khám Chí Hòa năm 1995.
“Nếu thống kê kỹ, Việt Nam ta có khá nhiều câu chuyện nổi bật về việc trấn yểm và bị trấn yểm. Ngay cả các làng quê cũng không thiếu chuyện về việc cha ông trấn yểm để mong an lành. Còn chuyện về Cao Biển trấn yểm nước Nam ta lại là một điển hình, trong đó tính giai thoại nhiều hơn thực tiễn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương.
Trần Hòa