Trần Quý Cáp.
Đường công danh lận đận
Chí sĩ Trần Quý Cáp (1870 – 1908), thuở nhỏ có tên là Trần Nghị; sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Thai La, làng Bất Nhị, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Trần Nghị là một người thông minh, học giỏi, năm 20 tuổi đã nổi tiếng văn chương, được các bạn kính phục. Theo học cụ cử Lê Cung ở Nông Sơn, ông rất xuất sắc nên cụ Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong nghe tiếng chọn về học trường Thanh Chiêm, được cấp học bổng và cho đổi tên thành Trần Quí Cáp, tự Dã Hàng, biệt tự Thích Phu, hiệu Thai Xuyên; ông là một trong sáu học sinh “lỗi lạc” của cụ Đốc học Mã Sơn là Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang.
Tuy học giỏi, nhưng đường công danh của Trần Quý Cáp rất lận đận, cùng dự khoa thi Giáp Ngọ (1894), Phạm Liệu đỗ Giải Nguyên còn ông “hỏng”, năm Đinh Dậu (1897) mới đỗ Tú tài. Năm Mậu Tuất (1898) Phạm Liệu đỗ Tiến sĩ, ông không “đủ điểm” phải quay về học lại trường Đốc.
Năm 1899, thân phụ lâm bệnh nặng, ông ở nhà lo phụng dưỡng thuốc thang, rồi thân phụ mất, ông cư tang 3 năm không đi thi.
Năm 1903, ông cùng với học trò ra Huế thi Hương cũng không đỗ, trong khi học trò của ông là Phan Bá Cảnh đỗ Cử nhân, ông vẫn Tú tài. Mãi đến năm 1904, ông mới được đặc cách cho thi Hội rồi thi Đình đỗ Nhất Giáp Tiến sĩ cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Văn Thụy.
Nhân sự kiện hy hữu này, cụ Đào Nguyên Phổ có câu đối mừng: “Tố tiến sĩ khước dị, tố cử nhân khước nan, ức ức dương dương vô phi tạo ý – Áp Hội nguyên ư Đình, áp Đình nguyên ư Hội, vinh vinh quí quí, hà tất khôi khoa”. Nghĩa là: “Đỗ Tiến sĩ dễ ợt, đỗ cử nhân khó khăn, nén nén, nâng nâng muôn việc do quyền tạo hoá – Đè Hội nguyên ở Đình, đè Đình nguyên ở Hội, vinh vinh quí quí, cần gì phải chiếm khôi khoa”.
Bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học
Ở khoa thi này, lúc thi Hội, Huỳnh Thúc Kháng đỗ Hội nguyên, tiếp là Trần Quý Cáp rồi đến Đặng Văn Thuỵ, nhưng khi vào thi Đình, Đặng Văn Thuỵ vượt lên đứng đầu bảng Đệ nhị giáp, tiếp theo là Trần Quí Cáp đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, sau ông còn một người nữa rồi mới đến Huỳnh Thúc Kháng.
Lúc bấy giờ nho học đã tàn, tân học đang phát triển và đất nước đang rơi vào giai đoạn đen tối. Các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương trong nước đều bất thành, trong khi thực dân Pháp đã cấu kết với vua quan triều Nguyễn đặt ra nhiều loại sưu thuế nặng nề, bóc lột dân ta.
Vốn sinh ra trong một gia đình nhà nông, hiểu được nỗi cơ cực của dân, chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần yêu nước của phong trào Cần Vương, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh như Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến… lãnh đạo ngay tại quê nhà; đồng thời sớm tiếp nhận làn gió mới của cách mạng thế giới thông qua sách báo của các nhà tư tưởng tiến bộ trong thế kỷ ánh sáng của Pháp, cũng như của một số nhà tư tưởng Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi… nên một thời gian ngắn sau khi đỗ đạt, Trần Quý Cáp đã cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều bạn bè tâm giao, tuy đạt được thành tích xuất sắc nhưng không ra làm quan để vinh thân phù gia mà dấn thân vào con đường cách mạng, “tự gánh trách nhiệm bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học”, khởi xướng và xây dựng phong trào Duy Tân.
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành