Đền thờ Trần Quý Cáp.
Khí phách của một bậc anh hùng
Tại Khánh Hòa, Trần Quý Cáp làm một bức thư gửi cho các bạn hữu tại Quảng Nam. Lấy cớ ông có thư từ ủng hộ, xúi giục cuộc biểu tình ở quê nhà và để ngăn chặn phong trào chống sưu khất thuế lan rộng vào các tỉnh Nam Trung kỳ, thực dân Pháp và quan lại Nam triều bắt ông về giam tại Diên Khánh, khép vào tội mưu phản.
Sau đó không cần xét xử, đưa ông ra chém bên bờ Sông Cạn – Diên Khánh vào ngày 15/8/1908, tức ngày 17-5 âm lịch. Mặc dầu không tìm ra chứng cứ, kẻ thù vẫn kết tội ông bị tử hình, người đời gọi bản án đó là “Mạc tu hữu”.
Trong giờ phút cuối cùng của đời mình, Trần Quý Cáp tỏ rõ khí phách của một bậc anh hùng. Cổ đeo gông, tay mang xiềng xích, từ nhà lao Diên Khánh tới cầu Sông Cạn, ông bước từng bước ung dung.
Rồi trước mặt tên Công sứ Pháp và các quan lại Nam triều, ông đã giằng khăn bịt mắt, xin quan giám trảm cho đặt hương án, đoạn ông bái tạ bốn phương trời, bái tạ quê hương mình và bái tạ dân chúng Diên Khánh, tiếp đó ngồi xếp bằng, thanh thản chờ đao phủ.
Cái chết của Trần Quý Cáp gây xúc động mạnh trong nhân dân cả nước cũng như ở Khánh Hòa. Đó là một cái chết lẫm liệt mà trong câu liễn đối, Phan Bội Châu đã viết: “Ngọc nát hơn ngói lành, ba chữ ngục thành, khóc ròng núi biển – Lông hồng nặng mà non Thái nhẹ, nghìn năm luận định chói lọi trời sao”.
Chia tay chén rượu còn đương nóng
Đau đớn và cảm phục trước tinh thần yêu nước, trước dáng vẻ bất khuất, hiên ngang của Trần Quý Cáp, mặc dù bị kẻ thù răn đe, dọa dẫm, dân chúng Diên Khánh bí mật mua sắm đủ lễ vật, chôn cất Trần Quý Cáp và chăm coi phần mộ của ông.
Trước cái chết của Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng làm bài thơ khóc ông như sau: “Thư kiếm tiêu nhiên độc xuất môn – Nhứt quan thác lạc vị thân tồn – Trực lương tân học khai nô lũy – Thùy tín dân quyền chủng họa côn – Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng – Nha Trang thu thảo khấp anh hồn – Khả liên nhứt biệt thành thiên cổ – Đà Nẵng phân trầm tửu thượng ôn”. Dịch là: “Gươm xách xăm xăm tách dặm miền – Làm quan vì mẹ há vì tiền – Quyết đem học mới thay nô kiếp – Ai biết quyền dân nảy họa nguyên – Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng – Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng – Chia tay chén rượu còn đương nóng – Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền”.
Hiện nay, có một đền thờ tại nơi ông bị xử chém bên cạnh cầu Sông Cạn, thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, được các nhân sĩ, thân hào, trí thức và nhân dân địa phương xây dựng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1970).
Để ghi nhớ công lao của Trần Quý Cáp, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu, năm 1970, Trung Liệt Điện hay còn gọi là đền thờ Trần Quý Cáp đã được xây dựng ở chính nơi nhà yêu nước nằm xuống.
Và đến năm 1991, di tích này được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước như Tam Kỳ, Hội An, Hà Nội, Nha Trang, Móng Cái có nhiều đường phố, trường học được mang tên ông.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Trần Quý Cáp mãi mãi là tấm gương ngời sáng trong lịch sử dân tộc và mãi mãi là nét son hồng trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa, như bài thơ mà nhân sĩ Phạm Phú Thuần đã từng viết về Trần Quý Cáp: “Một thác tiếng tròn vì Tổ quốc – Ngàn năm tiết rạng chói nho quan – Tấm bia đồ sộ đầy ghi tạc – Mãi với non sông được vững vàng”.
Nguyễn Trung Thành