Mộ Trần Quý Cáp.
Cải trang thành học trò đi thi
Với uy tín và tài năng của Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, phong trào Duy Tân thực sự trở thành phong trào cách mạng, được nhân dân khắp nơi ủng hộ và nhanh chóng lan rộng khắp miền Trung.
Năm 1904 ông cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lên tận các vùng Phước Sơn, Thạnh Mỹ là vùng rừng thiêng nước độc, núi non hiểm trở của Quảng Nam để tuyên truyền, vận động…
Năm 1905, ba vị lại tổ chức “Nam du” vào Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, tiếp tục phổ biến dân quyền, vận động xóa bỏ lối học tầm chương trích cú, phổ biến lợi ích của tân học, tân văn hóa…
Đến đâu ba vị cũng được các tầng lớp trí thức, nhân dân hưởng ứng và niềm nở tiếp đón. Đặc biệt, đến Bình Định, khi thấy các sĩ tử kéo nhau về trường tỉnh thi lệ hàng tháng, ba vị đã cải trang thành học trò đi thi.
Tại đây, Phan Châu Trinh đã làm bài thơ “Chí thành thông thánh” còn Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú “Danh Sơn Lương Ngọc”. Cả hai bài đều kí tên một sĩ tử là Đào Mộng Giác để gửi trường thi.
Bài phú “Danh Sơn Lương Ngọc” có nội dung làm thức tỉnh các tầng lớp trí thức trước nỗi nhục mất nước, nên đã tạo một tiếng vang lớn trong dư luận lúc bấy giờ khiến quan tỉnh phải điên đầu, báo cáo về triều đình Huế để “quyết định”…
Ra làm quan để truyền bá tư tưởng Duy Tân
Sau khi Nam du về tỉnh nhà, Trần Quí Cáp cùng các bậc thân hào bắt tay thực hiện công cuộc Duy Tân cải cách, xướng lập Hội thương, trường Tân học.
Phong trào Duy Tân đã được phát động ồ ạt không chỉ riêng ở Quảng Nam mà cả những tỉnh Nam Trung bộ. Năm 1906, nhận thấy vai trò rất lớn của Trần Quý Cáp trong dân chúng cũng như trong giới sĩ phu yêu nước, để dễ bề kiểm soát, thực dân Pháp cùng vua quan Nam triều bổ nhiệm ông làm chức Giáo thọ tại Thăng Bình – Quảng Nam.
Không muốn làm quan nhưng trước sự động viên của mẹ già và của bè bạn thân thiết, Trần Quý Cáp đã nhậm chức. Tuy nhiên, ngược lại với ý đồ của kẻ thù, khi giữ chức Giáo thọ tại Thăng Bình, Trần Quý Cáp càng có điều kiện giao du, truyền bá rộng rãi hơn tư tưởng Duy Tân. Đến đâu ông cũng diễn thuyết và đề ra các chương trình cải cách văn hóa, mở mang phát triển kinh tế.
Đến đầu năm 1908, chỉ mấy năm phong trào Duy Tân ra đời, ở miền Trung, hàng trăm trường học đã được xây dựng, phổ biến quốc ngữ, giảng dạy các môn khoa học, lịch sử, vệ sinh… và mỗi trường đã trở thành trung tâm bài trừ các hủ tục và giáo dục lòng yêu thương đất nước…
Đặc biệt, ở Quảng Nam và một số tỉnh khác, nhờ ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, dân chúng nổi dậy biểu tình xin xâu, giảm thuế. Để cách ly Trần Quý Cáp với các đồng chí cũng như hạn chế tầm hoạt động của ông, kẻ thù liền chuyển ông về làm Giáo thọ tại huyện Tân Định, tức Ninh Hòa ngày nay.
Tháng 5/1908, tại Quảng Nam, một cuộc biểu tình xin xâu, giảm thuế, bắt nguồn từ Đại Lộc, sau đó lan ra các huyện, nhân dân tham gia lên tới hàng chục ngàn người, đã kéo về vây Tòa sứ Pháp tại Hội An.
Quá đỗi lo sợ, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn đã thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình. Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhà lãnh đạo khác của phong trào Duy Tân bị bắt giam.
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành