Vua Trần Anh Tông.
Mang hai dòng máu của hai triều đại
Minh Tông hoàng đế ( 21/8/1300 – 19/2/1357) húy là Trần Mạnh, con trai duy nhất sống đến khi trưởng thành của Anh Tông Nhân Hiếu hoàng đế Trần Thuyên và bà Chiêu Từ hoàng hậu Trần thị, con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng; vị hoàng đế thứ 5 của nhà Trần, ở ngôi 15 năm (1314 – 1329), làm Thái thượng hoàng 28 năm.
Ông sinh một ngày sau khi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời (20/8 âm lịch năm 1300). Bảo Nghĩa vương vốn là người có huyết thống của Lê Đại Hành nhà Tiền Lê, nên ông mang trong mình một phần dòng máu của triều đại này.
Ngày 18/3/1314, Trần Anh Tông truyền ngôi cho Trần Mạnh, tự xưng là Ninh Hoàng. Trong khi Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp trông coi chính sự.
Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời trước đã tạo nên. Suy tôn vua cha là Quang Nghiêu Duệ Vũ thái thượng hoàng đế và tôn Thuận Thánh hoàng hậu làm Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu.
Trần Minh Tông nối ngôi mới 14 tuổi, nhưng vốn thông minh, tài trí, sự hưng thịnh đời Trần Anh Tông tiếp tục được mở mang, làm rạng rỡ công nghiệp của Trần Thái Tông, là bậc quân chủ tài giỏi.
Bấy giờ sau khi vua Chiêm Thành Chế Chí thua trận, nước Chiêm thường xuyên quấy phá. Năm 1318, Minh Tông sai Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, có Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến phối hợp cùng đánh quân Chiêm; đồng thời sai Phạm Ngũ Lão tung quân đánh tập hậu; quân Chiêm thua trận, khiến Chiêm vương Chế Năng phải chạy ra Nam Dương. Huệ Vũ vương xin lập người tù trưởng nước Chiêm là A Nan làm vua, rồi rút quân về.
Tháng 8 âm lịch mùa thu năm 1323, nhân dịp thi Thái học sinh, Vua đến nhà Thái học. Bấy giờ có người trong quân Thiên Thuộc tên là Mặc ứng thí, được trúng cách; Vua hạ chiếu trả về quân tịch và cho sung vào làm chức lại điển trong quân Thiên Đinh. Mùa hạ năm sau, phong thúc phụ (đồng thời là nhạc phụ) Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn làm Quốc phụ thượng tể, trên ngạch tể tướng…
Vua sáng
Đối với nhà Nguyên, Minh Tông tiếp tục đường lối giao hảo, nhường nhịn hết mực nhưng không hề tỏ ra yếu thế, chứng tỏ vị thế hàng đầu của Đại Việt. Trong nước, ông tiếp tục trọng nông nghiệp, gia tăng đất canh tác, kỹ thuật sản xuất, thời kỳ hưng thịnh tiếp tục duy trì…
Ngày 7/2/1329, Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Hoàng thái tử. Đến ngày 15/2, ông nhường ngôi cho thái tử Vượng ( vua Trần Hiến Tông), lên làm Thái thượng hoàng, tự xưng làm Triết hoàng. Tôn hiệu của Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng đế, Hiến Tông tự quân còn nhỏ tuổi, Thái thượng hoàng vẫn nắm quyền triều chính.
Mùa đông năm 1329, người Ngưu Hống nổi dậy, chiếm đất cõi Đà Giang. Thượng hoàng thân chinh đi đánh dẹp, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.
Năm 1334, quân Ai Lao xâm lấn, Thượng hoàng lại đích thân đem quân đến Châu Kiềm (Nghệ An). Quân Ai Lao bỏ chạy. Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn soạn bài bia ghi lại chiến thắng khắc lên núi đá.
Năm 1335, nghe tin Ai Lao kéo xuống xâm lấn ấp Nam Nhung thuộc Nghệ An, Thượng hoàng định thân chinh, nhưng bị đau mắt, có người xin hoãn lại. Thượng hoàng không đồng tình, vì cho rằng thiên hạ sẽ bảo mình nhát và quyết ý thân chinh.
Trong trận, Đoàn Nhữ Hài khinh suất ra quân nên đúng lúc gặp sương mù bị rơi vào phục kích, bị thua trận và chết đuối. Thượng hoàng khóc thương tiếc và không coi đó là lỗi của Nhữ Hài.
(còn nữa)
Nguyễn Thành Trung