Tràn dịch màng phổi - biến chứng của nhiều bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Tràn dịch màng phổi rất thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau. Nhận biết màu sắc của dịch để đánh giá tiên lượng điều trị.

Ở màng phổi là một khoảng ảo. Bình thường cơ thể chúng ta luôn có một lượng dịch rất nhỏ nằm giữa hai lớp màng phổi. Chất dịch này có tính chất bôi trơn giúp phổi và thành ngực chuyển động dễ dàng khi chúng ta thở. Gọi là tràn dịch màng phổi khi lượng dịch tăng lên nhiều chen giữa phổi và lồng ngực.

Khi tiết dịch ít, khoảng 200 – 300ml, người bệnh hơi đau bên có tràn dịch, không khó thở, vẫn nằm ngửa, đầu thấp được, nhưng có khuynh hướng nằm nghiêng về bên lành để tránh đau. Khi lượng nước trung bình, khoảng 700 - 800ml tới 1,5l ở người lớn, thì có khó thở nhẹ và người bệnh phải nằm nghiêng về bên đau. Khi nước nhiều, tình trạng khó thở nổi bật, người  bệnh  phải ngồi dậy thở nhanh, nông.

Bên cạnh những triệu chứng chức năng có thể thấy sốt ít hoặc nhiều, mệt mỏi, biếng ăn… Tràn dịch có thể khu trú ở một vùng, ở rãng liên thùy, ở giữa nền phổi và cơ hoành, ở trung thất, ở nách hoặc đỉnh phổi… Xác định bệnh bằng chụp X-quang, chọc hút, trường hợp khó cần kết hợp với bơm hơi ổ bụng rồi chụp phổi để xác định.

Ở Mỹ, có khoảng xấp xỉ 1 triệu trường hợp tràn dịch màng phổi được chẩn đoán mỗi năm. Còn ở Việt Nam, hàng năm cũng có khoảng trên dưới 1.000 trường hợp được phát hiện và can thiệp. Điều đáng nói, tràn dịch màng phổi thường là biểu hiện hoặc biến chứng của nhiều loại bệnh khác, tức là rất khó lường được những biểu hiện. Bệnh nhân thường chỉ đến khi đau mới biết.

Tuy nhiên, dựa vào màu sắc của dịch cũng tiên lượng được một phần nào của bệnh để tiến hành xét nghiệm. Chẳng hạn, nước vàng chanh: Thường là biểu hiện của viêm màng phổi tiên phát. Phần lớn do lao, viêm phổi, lao phổi, tác động mạch phổi, viêm màng ngoài tim, apxe gan...; Trong vắt: Gặp trong các bệnh gây ứ nước trong cơ thể, nhất là, thận nhiễm mỡ, suy dinh dưỡng, suy tuyến giáp trạng, suy tim xơ gan; Hồng hoặc đỏ: Ung thư phổi hay do di căn của các loại ung thư vào phổi; Đục có mủ: Thường do các loại vi khuẩn gây mủ như tụ cầu, liên hoàn, phế cầu như nhiễm khuẩn tiên phát ở ổ màng phổi, hoặc nhiễm khuẩn thứ phát của tràn dịch màng phổi, hoặc là một triệu chứng của apxe gần màng phổi (apxe phổi, gan, dưới cơ hoành). Nếu mủ có màu nâu thì nên nghĩ tới ápxe gan do amip vỡ vào ổ màng phổi; Trắng, như nước gạo, hoặc vàng đục lóng lánh, có khi màu xanh nâu: Gặp trong tràn dịch kéo dài sau giai đoạn tràn mủ màng phổi, chưa rõ cơ chế phát sinh; Trắng như nước gạo, có nhiều mỡ trung tính: Thường do chèn ép ống ngực do các khối u, hoặc chấn thương lồng ngực, chèn ép tĩnh mạch dưới đòn hoặc không rõ nguyên nhân.

Tùy nguyên nhân dẫn đến tràn dịch màng phổi và người bệnh thường phải trải qua rất nhiều xét nghiệm vi khuẩn, sinh hóa, tế bào học và dựa vào việc thăm khám toàn thân, khám các cơ quan khác có liên quan một cách kỹ càng mới có thể phát hiện ra nguyên nhân chính xác để can thiệp. Khi lượng dịch nhiều chèn ép phổi gây khó thở, bác sĩ sẽ chọc rút dịch để phổi nở ra, bệnh nhân sẽ dễ thở. Kết quả điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu các nguyên nhân trên đã được chữa triệt để và không để lại hậu quả gìnghiêm trọng thì sau khi điều trị xong việc tràn dịch màng phổi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và công việc về sau.

BS Tuấn Anh (Bệnh viện K)

Theo Đời sống
back to top