Không gian lận
Trước đó, đã xuất hiện sức ép từ nghi vấn của dư luận về tính minh bạch trong hoạt động thu chi tại Trạm thu phí Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng. Tới ngày 15/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành quyết định kiểm tra đột xuất công tác tổ chức và hoạt động của Trạm Thu phí Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Theo đó, Đoàn kiểm tra đã rà soát hồ sơ thu phí từ ngày 28/1 đến ngày 8/2 của trạm. Qua đó, ghi nhận trong khoảng thời gian này trạm thu được khoảng 13,2 tỷ đồng, trung bình một ngày đêm (3 ca) thu được 1,1 tỷ đồng. Công ty quản lý thu phí trên tuyến đã nộp vào tài khoản ngân hàng hơn 10,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm bị cướp ngày 07/2, số tiền mặt có tại két Phòng Kế toán vé, thẻ là 3,2 tỷ đồng. Trong đó gồm: tồn quỹ dự phòng khẩn cấp của Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) là 80 triệu đồng, doanh thu giữ lại của VEC để đổi tiền lẻ trong dịp Tết Kỷ Hợi là 600 triệu đồng. Số tiền thu phí của 8 ca (từ ca 2 ngày 04/2 đến hết ca 3 ngày 06/2) là 2,5 tỷ đồng. Đạt bình quân 318 triệu đồng/ca, khớp đúng với báo cáo của VEC – đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ cho biết. Số tiền bị cướp ngày 07/2 là 2,22 tỉ đồng, tiền thu phí còn tồn quỹ hơn 465 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết luận, kết quả kiểm tra tại trạm thu phí Dầu Giây thể hiện các chứng từ được lập đầy đủ, quy trình hoạt động đúng theo quy định của quy trình tổ chức hoạt động thu phí đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Từ đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết luận, qua kiểm tra cho thấy các thông số trên là khớp với báo cáo của VEC về tình hình hoạt động thu phí tại đây.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra xác suất công tác giám sát, hậu kiểm từ ngày 1/1 đến 15/2, cơ quan chức năng đã phát hiện có 28 trường hợp Thu phí viên bán sai mệnh giá vé, 27 trường hợp Thu phí viên phân loại sai loại xe, 13 trường hợp khách hàng làm mất thẻ.
Các trường hợp Thu phí viên bán sai mệnh giá vé, phân loại sai loại xe và khách hàng làm mất thẻ đều được Bộ phận giám sát, hậu kiểm và Trạm thu phí Dầu Giây lập biên bản, xử lý theo quy định. Cụ thể, trường hợp bán sai mệnh giá vé và phân loại xe nếu thiếu tiền, Công ty buộc Thu phí viên nộp bù. Nếu thừa tiền, Công ty thực hiện việc xé vé bổ sung. Trường hợp khách hàng làm mất thẻ, Công ty yêu cầu đền tiền.
Nhưng cần hoàn thiện
Theo thông báo kết luận đợt kiểm tra đột xuất, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị VEC khẩn trương thực hiện 4 vấn đề. Đầu tiên là phải “đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư bổ sung hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo Quyết định số 07/2017/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ”. Đây là yêu cầu khá lạ, đặc biệt với dự án cao tốc do một doanh nghiệp nhà nước lớn nhất quốc gia trong lĩnh vực xây dựng, quản lý, khai thác cao tốc như VEC.
Sự lạ này được giải thích tại yêu cầu thứ hai của Tổng cục Đường bộ. Theo đó, cơ quan này cũng yêu cầu VEC báo cáo giải trình việc không sao lưu đầy đủ dữ liệu video theo quy định tại Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Đồng thời, thực hiện ngay việc công khai thông tin trên biển báo điện tử gắn tại khu vực nhà điều hành theo quy định tại Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Và khắc phục ngay lỗi không đồng bộ thời gian của các Video làn, Video Cabin và Video toàn cảnh.
Đặt yêu cầu phải “đầu tư bổ sung hệ thống thu phí điện tử tự động” bên cạnh yêu cầu phải “giải trình việc không sao lưu đầy đủ dữ liệu video”. Cùng với lỗi ‘không đồng bộ thời gian” tại trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây, có thể thấy thực tế là VEC – doanh nghiệp kinh doanh cao tốc lớn nhất cả nước – lại không phải là doanh nghiệp đi đầu về công nghệ thu phí theo yêu cầu của Nhà nước.
Việc buộc các doanh nghiệp phải điện tử hóa hoạt động thu phí là nhằm công khai, minh bạch, quản lý và ngăn chặn nguy cơ gian dối trong hoạt động này. Vì cơ chế thu phí “bằng tay” khó quản lý theo dõi, và vì thế dễ phát sinh gian lận tiền thu phí. Nhìn từ sự khó quản lý ấy sẽ thấy, khi doanh nghiệp nhà nước là VEC đã “đi sau” trong hoạt động điện tử hóa thu phí, cũng sẽ khiến chính kết quả kiểm tra đột xuất của Tổng cục Đường bộ tại cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ có phần thiếu sự tin cậy về kết quả.
Lưu ý là, tại tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây, quyền thu phí được VEC giao cho VEC E. Đây là công ty được thành lập từ tháng 4/2010, vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc và thu phí đối với trạm thu phí đường cao tốc, đường bộ…
Tại VEC E, VEC là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 51% vốn góp (tương đương 25,5 tỷ đồng). Còn lại 49% vốn tại VEC E thuộc sở hữu 2 cổ đông pháp nhân khác, là Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường và Công ty CP Đạt Thành. Trong đó, Công ty CP Đạt Thành là doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định, hiện đang sở hữu Trung tâm đăng kiểm xe tại địa phương này và có tham gia một số dự án hạ tầng giao thông.
Còn lại, Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường có chủ sở hữu là ông Nguyễn Thủy Nguyên – người đã mua 70% vốn Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso). Sau đó, thông qua Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng mua 65% vốn cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) – doanh nghiệp ngành nghệ thuật hiện quản lý nhiều khu đất vàng cạnh Hồ Tây của Hà Nội. Trực tiếp, Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường và ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng tham gia làm thầu thi công tại nhiều dự án đường bộ lớn trên cả nước.
ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết luận, Trạm thu phí Dầu Giây không có gian lận trong hoạt động thu phí. Ảnh: Hữu Thông.