Trầm cảm không do áp lực học tập

(khoahocdoisong.vn) - Học nhiều, áp lực học tập khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, theo các bác sĩ, đó là cách hiểu chưa đúng. Thực tế, học tập căng thẳng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới trầm cảm.

Hiểu chưa đúng về nguyên nhân gây trầm cảm

Hàng loạt các vụ việc học sinh tự sát liên quan tới áp lực học tập đã khiến các bậc phụ huynh không khỏi giật mình.

Trong số đó, có câu chuyện của nữ sinh lớp 7 trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, nữ sinh này đã xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, không đạt được kỳ vọng của bố mẹ. Điều đó, khiến em đi đến quyết định tự tử.

Mỗi khi kỳ thi đến gần, trên mạng, lại không ít những câu chuyện liên quan tới áp lực thi cử của các học sinh. Đã có luồng ý kiến cho rằng, áp lực thi cử là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới căn bệnh này ở lứa tuổi học trò. Và việc cha mẹ, thầy cô đặt ra yêu cầu cao đối với con trẻ, chính việc học hành căng thẳng là nguyên nhân trực tiếp gây ra căn bệnh trầm cảm. Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Áp lực học tập không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh trầm cảm. Ảnh minh họa.

Áp lực học tập không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh trầm cảm. Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV KH&ĐS, BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ, không phải cứ học hành quá tải thì gây ra bệnh tâm thần, trong đó có trầm cảm. Đó là một quan điểm sai lệch.

Những trẻ mắc bệnh tâm thần ở lứa tuổi học sinh do nhiều nguyên nhân. Ví dụ do gene, tố chất, môi trường, áp lực từ các mối quan hệ nữa, chứ không phải từ việc học. Thực tế, bệnh tâm thần cũng giống như các bệnh khác đều có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, và không cứ do học hành.

Thực tế cho thấy, người học nhiều cũng bị bệnh mà người không học cũng bị bệnh. Nhiều khi chơi quá tải khả năng mắc bệnh còn cao hơn, ví dụ như chơi game. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chơi game quá tải sẽ dẫn tới những rối loạn về tâm thần. Và thực tế ở Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cũng đã gặp phải nhiều ca bệnh do nghiện game.

Cho nên, vấn đề ở đây là cha mẹ cần rèn cho trẻ khả năng chịu đựng và thích nghi. Và hướng cho trẻ tiêu thụ chất xám vào những việc có ích. Trong đó, học tập cũng là một hoạt động có ích. Tuy nhiên, cần tránh cho trẻ những căng thẳng.

Vì không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh trầm cảm, nhưng những căng thẳng trong học tập có thể thúc đẩy bệnh "nền" có sẵn trong trẻ, dẫn tới sự khởi phát của bệnh.

Đồng quan điểm với BS Hồng Thu, ThS.BS Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm liên quan đến vấn đề nội cơ thể. Và khi có các yếu tố thuận lợi thì bệnh sẽ khởi phát.

Ví dụ như đối với phụ nữ, thì quá trình sinh nở sẽ chính là một điều kiện thuận lợi để bệnh khởi phát, dẫn tới bệnh trầm cảm sau sinh.

Không bao giờ bỏ qua chia sẻ của trẻ về tự sát

PGS. TS Nguyễn Kim Việt, nguyên Trưởng Bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội; nguyên Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, trầm cảm là bệnh lý của bộ não. Trong đó có sự thay đổi chất dẫn truyền thần kinh trong não, những tổn thương.

Trầm cảm không phải lúc nào cũng gây ra bởi một tình huống tiêu cực. Trầm cảm có thể phát sinh đột ngột ngay cả khi mọi thứ trong cuộc sống dường như đang diễn ra tốt đẹp. Mặc dù vậy, các sự kiện đau buồn diễn ra trong cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm

Mất hứng thú với những hoạt động bình thường mình thích, buồn bã, sự tuyệt vọng trong thời gian dài là một trong các triệu chứng của trầm cảm, kể cả khi không có một lí do cụ thể nào.

Trầm cảm không tự biến mất nếu không điều trị. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần hoặc vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự sát.

Và rất có thể một người quen, một người thân ở ngay cạnh chúng ta đang mắc trầm cảm và cần sự giúp đỡ mà ta không nhận ra.

Khi trẻ bị trầm cảm, cần hỗ trợ trẻ về cảm xúc. Cha mẹ nên nói chuyện và lắng nghe trẻ một cách nghiêm túc. Đặc biệt, không bao giờ bỏ qua chia sẻ của trẻ về tự sát, ngay cả khi nó có vẻ như một trò đùa. Cần xem xét nghiêm túc về nguy cơ tự sát.

Nói về ý nghĩa của việc chia sẻ cảm xúc, TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đối với một người có ý định tự tử, thì việc hỏi về cảm giác đó khiến người nghe được giải tỏa, cảm thấy được quan tâm, lắng nghe. Từ đó, khiến họ giảm bớt căng thẳng và cân nhắc hơn về việc việc tự tử một cách nghiêm túc.

Tự tử không phải là một hành động bột phát, do kích động, không có kế hoạch nên không thể ngăn chặn được. Thực tế, hầu hết những cái chết do tự tử đều đã được nạn nhân suy nghĩ cẩn thận, có ý thức và lên kế hoạch một vài lần.

Một số các dấu hiệu chán nản, bất cần, cụ thể nhất là qua lời nói mà phu huynh cần phải để ý ở con như: "Từ giờ, con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu." hay "Với con, chả có gì quan trọng cả!", " "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói...".

Hoặc bỗng dưng trẻ sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, nói sẽ tặng bạn bè, người thân, kể cả các đồ mà mình yêu quý. Trẻ cũng có thể bỗng dưng dọn dẹp phòng sạch sẽ…

Khi trẻ có những dấu hiệu đó, thì phụ huynh cần quan tâm tới con và hỗ trợ cho con kịp thời. Nếu trẻ đã tự sát một lần, dù không thành công thì cũng có thể tiếp tục tự sát.

Theo BS Nguyễn Hoàng Yến, với lĩnh vực bệnh lý tâm thần thì trầm cảm là bệnh có thể điều trị ổn định, người bệnh có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường, nên khi có bệnh cần đến những cơ sở uy tín để được chữa trị sớm.

Theo Đời sống
back to top