Trà sữa là đồ uống hiện được nhiều bạn trẻ Việt yêu thích. Một thực tế đáng lo ngại là mặt hàng này hiện đang bị thả nổi, khó kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay cả ở các thương hiệu trà sữa “có tiếng” cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Tại các khu chợ đầu mối Đồng Xuân, chỉ với số tiền rất nhỏ có thể mua được nguyên liệu có nguồn gốc Trung Quốc để làm ra một cốc trà sữa trân châu.
Một thương hiệu trà sữa trên thị trường Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Bùng nổ thị trường trà sữa
“Cơn sốt” trà sữa xuất hiện ở Việt Nam đã lâu, nhưng chưa bao giờ thị trường trà sữa Việt lại sôi động như hiện nay. Hầu như trên mọi con phố lớn tại Hà Nội đều xuất hiện bóng dáng của những quán trà sữa với đủ thương hiệu lớn nhỏ như Dingtea, Chago, Gongcha, Igongcha, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Wang Tea và Taiwan Tea Good Tea, Chatime, Bobapop, Citea Fun, Blackball…
Người ta dễ dàng bắt gặp những quán trà sữa ngay sát cổng trường, sát vách ký túc xá, trên đường phố, trong chợ, siêu thị, khu tập thể, khu chung cư, cao ốc văn phòng… Những buổi tối khách xếp thành hàng dài chờ mua trà sữa đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên tuyến đường Thanh Niên, Trần Thái Tông, Cầu Giấy (Hà Nội)…
Tuy mức giá khá cao, từ 40.000 – 80.000 đồng/ly tùy loại nhưng trà sữa luôn thu hút đông người sẵn sàng xếp hàng mua. Với một số bạn trẻ, việc cầm trên tay ly trà sữa thương hiệu quốc tế như một cách khẳng định bắt kịp trào lưu. Các cửa hàng trà sữa nhỏ lẻ, thậm chí trà sữa vỉa hè cũng ngày càng mọc lên như nấm. Những quán trà sữa Thái Lan, Đài Loan có giá chỉ 18.000 – 25.000 đồng cho một ly cỡ lớn, nhiều trân châu.
Nguyễn Phương Nhung (một nhân viên văn phòng) thừa nhận cô như bị nghiện trà sữa. Đi làm về thường ghé quán trên đường để mua về nhà uống, đi chơi với bạn cũng hẹn ở quán trà sữa, cuối tuần ra phố đi bộ cũng cầm ly trà sữa nhâm nhi.
“Uống nhiều không thấy ngán mà sợ nhất là bị mập lên. Có những trưa thèm trà sữa quá mình uống trà sữa thay cho ăn cơm, như vậy sẽ đỡ bị béo. Có lần tới quán khách đông, phải đợi 30 phút mới mua được cốc trà sữa nhưng vẫn cảm thấy hài lòng, mãn nguyện vì đã mua được. Hiện nay, có những người không hẳn nghiện trà sữa như mình nhưng họ vẫn uống thường xuyên để bắt nhịp theo trào lưu, có thể không thích nhưng vào quán uống để chụp ảnh, check in với thương hiệu lớn cho thời thượng,…” – Nhung chia sẻ.
Ma trận nguyên liệu trôi nổi
Tại một cuộc hội thảo về thị trường trà sữa, Lozi – đơn vị cung cấp ứng dụng chia sẻ những trải nghiệm về địa điểm ăn uống và công bố khảo sát cho thấy, hiện tại trên cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa, trung bình cứ mỗi tháng lại có tầm 8 của hàng được mở thêm. Trong khảo sát này cũng cho thấy có đến hơn 53% người được hỏi có thói quen uống trà sữa mỗi tuần một lần. Song song với sự phát triển mạnh của thị trường trà sữa, một câu hỏi được đặt ra khi trà sữa đang trở thành trào lưu lôi cuốn nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau thì liệu chất lượng của trà sữa được đảm bảo như thế nào?
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên liệu pha chế trà sữa trân châu thông thường gồm: hồng trà, hạt trân châu; sữa đặc; trái cây các loại, thạch rau câu… nhưng không ít người đã biến tấu thức uống này “lạ” hơn với nhiều phụ phẩm khác theo sở thích của người uống. Trong số các loại nguyên liệu làm trà sữa hiện nay, với các loại hương liệu được đóng sẵn trong các can sẽ cho ra nhiều mùi hương trái cây khác nhau.
Một người bán trà sữa cho biết, phố Hàng Buồm là nguồn mua nguyên liệu của hầu hết các quán trà sữa hiện nay. Trong vai người đi mua nguyên liệu để chuẩn bị mở quán trà sữa, chúng tôi được chị bán hàng ở chợ tư vấn khá kỹ cho đủ loại nguyên liệu từ đắt tới rẻ, loại nào cũng được đáp ứng hết.
Tiếp tục giới thiệu về một loại bột để thay thế cho sữa đặc, chị bán hàng đem ra một túi nilon không nhãn mác đựng một loại bột màu trắng mịn, cô nói rằng đấy là bột sữa, loại này có giá 70 nghìn đồng/kg. Khi pha loại bột sữa này thì trà sữa sẽ có độ béo ngậy, thơm ngon mà không cần phải chi thêm khoản tiền để mua sữa đặc nữa, chỉ cần nêm nếm một chút đường là được. 1kg sữa bột có thể pha hàng trăm cốc trà, với 45 nghìn trà mạn pha được 20 lít trà sữa, trân châu chỉ khoảng 30 nghìn đồng/kg, đó là những nguyên liệu chính để tạo ra ly trà sữa bắt mắt, thơm ngon.
Những nguyên liệu không nhãn mác, xuất xứ vẫn được mua – bán tại các khu chợ đầu mối mà nhiều nhất là phố chợ Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân. Đáng lo ngại hơn là có những túi nguyên liệu chỉ được đựng trong chiếc túi trắng mà không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng,… Đi dọc theo con phố Hàng Buồm, tại đây theo quan sát hầu như hộ nào cũng kinh doanh nguyên liệu để làm trà sữa.
Chị N.T.T chủ cửa hàng trà sữa cho biết, kinh doanh trà sữa đem lại lợi nhuận cao, trà sữa nếu chỉ gồm trà và sữa thì bảo đảm không thể thu hút được khách bởi thiếu độ béo, độ quánh mà chỉ có bột béo trà sữa, sữa đặc mới tạo nên được. Bột béo trà sữa không thể tự làm mà phải mua ở chợ. Bột béo có rất nhiều loại, đủ nguồn gốc như Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan…, chọn loại càng rẻ thì bán càng lời. Nếu muốn mua nguyên liệu thì chỉ cần một cuộc điện thoại là nhiều hay ít vẫn đều được đáp ứng tận nơi.
Trên thực tế, năm ngoái, các tín đồ trà sữa trong nước từng hốt hoảng trước thông tin về trà sữa trân châu siêu rẻ ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Loại trân châu này không dùng sữa, trà hay bất cứ hoa quả nào mà chỉ dùng các loại chất tạo màu, tạo mùi cộng với hạt trân châu giả làm từ một loại bột hóa học cao phân tử. Sau đó, quản lý thị trường trong nước cũng bắt nhiều vụ vận chuyển nguyên liệu trà sữa không nhãn mác, nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Mới đây nhất, vụ việc về chất lượng trà sữa không tốt như trà sữa Feeling Tea, là một thương hiệu rất được yêu thích tại Hà Nội với 16 chi nhánh, lực lượng chức năng đã phát hiện ra chuỗi cửa hàng trà sữa này sử dụng những nguyên liệu không an toàn. Hay như cửa hàng trà sữa Dingtea ở Nghệ An đã bị phạt 25 triệu vì vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm…
Theo phapluatplus.vn