<div> <p>Tập đoàn Công nghệ sinh học Quốc gia <span>Trung Quốc</span> (CNBC), một đơn vị của công ty dược nhà nước Sinopharm, cho đến nay đã tiêm hai vaccine thử nghiệm cho hàng trăm nghìn người, sau khi được Bắc Kinh chấp thuận hồi tháng 7, công ty này cho biết.</p> <p>Ngoài ra, công ty dược Trung Quốc Sinovac Biotech cho biết đã tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm của mình cho khoảng 3.000 người là nhân viên và gia đình nhân viên, bao gồm giám đốc điều hành của công ty.</p> <p>Ba vaccine nói trên vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (tức giai đoạn thử độ an toàn và hiệu quả trên hàng nghìn người). Theo WHO, trên thế giới đang có 6 vaccine triển vọng khác cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="trung quoc tiem vaccine anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/12/41/znews-photo-zadn-vn_im_231023_gt.jpg" title="trung quốc tiêm vaccine ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Một vaccine phòng Covid-19 được trưng bày tại hội chợ ở Bắc Kinh cuối tuần qua. Ảnh: <em>Getty Images.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Nhiều nước thường chỉ cho tiêm vaccine rộng rãi cho công chúng sau khi thử nghiệm hoàn tất. Anh, <span>Đức</span> và <span>Mỹ</span> - các nước có vaccine triển vọng - chưa cho phép tiêm vaccine cho các đối tượng không nằm trong thử nghiệm lâm sàng, theo <em>Wall Street Journal.</em></p> <p>Tuần này, 9 công ty dược phương Tây ra tuyên bố chung cam kết sẽ không xin chấp thuận cho vaccine của họ cho tới khi thử nghiệm lâm sàng chính thức hoàn tất.</p> <p>Cũng trong tuần này, 8 quan chức cấp cao của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) viết bài bình luận cho biết họ sẽ không để chính trị ảnh hưởng đến việc đánh giá các vaccine. Cam kết này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump kêu gọi phải có vaccine cho công chúng trước bầu cử Mỹ ngày 3/11 tới.</p> <p>Công ty AstraZeneca của Anh, đang có một trong các vaccine dẫn đầu, đã phải tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng sau khi một phụ nữ được thử nghiệm ở Anh biểu hiện triệu chứng không rõ nguyên nhân. Thử nghiệm được nối lại vào lúc nào sẽ tùy thuộc vào kết quả đánh giá độc lập về tính an toàn của vaccine này.</p> <p>Trái lại, Trung Quốc và Nga dường như muốn đẩy nhanh việc dùng vaccine do mình sản xuất, với mong muốn khởi động lại kinh tế và giành chiến thắng PR toàn cầu.</p> <p>Tháng trước, Nga tuyên bố là nước đầu tiên chấp thuận vaccine Covid-19 dựa vào thử nghiệm giai đoạn đầu. Các quan chức Nga đang kỳ vọng bắt đầu tiêm chủng diện rộng trước cuối năm.</p> <p>Trung Quốc đã hứa chia sẻ vaccine thử nghiệm thành công với một số nước, đa phần là các đối tác chiến lược với Bắc Kinh, bao gồm <span>Philippines</span>, <span>Indonesia</span> và Brazil. Sinovac đã đồng ý cung cấp 100.000 liều miễn phí cho Bangladesh. CNBG cho biết đã nhận được các đơn hàng từ nước ngoài, tổng cộng 500 triệu liều vaccine.</p> <p>Mỹ cho biết công dân nước này sẽ được ưu tiên đối với bất cứ loại vaccine nào thử nghiệm thành công. Mỹ cũng đã cam kết mua vaccine do Anh và Đức phát triển.</p> </div> <p> </p>