TPHCM: Vượt qua rào cản để xây dựng giáo dục thông minh

(khoahocdoisong.vn) - Nhằm đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, giáo dục phổ thông, TPHCM đang tập trung xây dựng giáo dục thông minh với nhiều giải pháp thiết thực.
Hội thảo Giáo dục thông minh TPHCM

Hội thảo Giáo dục thông minh TPHCM

Nguồn lực lớn

Trên địa bàn thành phố hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông của TPHCM có quy mô 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Vì vậy, việc phát huy sức mạnh, trí tuệ và nguồn lực xã hội để xây dựng giáo dục thông minh là nhiệm vụ quan trọng của thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, TP đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo môi trường học tập có hiệu quả cho học sinh. Chính vì vậy, việc định hướng trong xây dựng giáo dục thông minh với những giải pháp và bước đi cụ thể là nhiệm vụ quan trọng của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo một nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống chuyển sang thực hiện mô hình giáo dục thông minh mà trong đó việc kế thừa các ưu điểm của các phương pháp giáo dục truyền thống với việc tận dụng khoa học, công nghệ cho giáo dục thông minh theo xu thế thế giới.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm quan tâm đến các mô hình giáo dục thông minh

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm quan tâm đến các mô hình giáo dục thông minh

Để thực hiện mục tiêu trên, ngành giáo dục TPHCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá; là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng, công bố kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin của ngành; phối hợp với các đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn ngành… Đó là nền tảng ban đầu cần thiết, quan trọng để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật tiếp theo.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học trên địa bàn TPHCM đã chủ động triển khai nhiều mô hình thí điểm về giáo dục thông minh và đạt được một số kết quả tích cực.

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đang gặp một số khó khăn, thách thức, các mô hình giáo dục thông minh của thành phố mới chỉ tập trung ở việc thí điểm ở một số trường, cần phải tập trung đầu tư phát triển nhiều mặt.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tốc độ tăng dân số cơ học quá cao, số lượng học sinh tăng lên rất nhanh tạo ra áp lực đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho học sinh, ngoài ra đây cũng là rào cản cho mục tiêu xây dựng mô hình dạy học tiên tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, hình thức tổ chức dạy học truyền thống gắn với việc truyền thụ kiến thức, tài liệu in, thời gian biểu cố định trong thời gian dài đã khiến giáo dục thiếu tính linh hoạt, sáng tạo. Trong khi đó, giáo dục thông minh gồm cả lớp truyền thống và lớp học ảo, tài liệu in và tài liệu số, thời gian linh hoạt, không gian học tập mọi lúc, mọi nơi. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải tích cực thay đổi nhận thức, thái độ.

Đặc biệt, kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng tốt cho giáo dục thông minh. Việc triển khai các ứng dụng CNTT và truyền thông trong giáo dục thời gian qua thiếu đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng CNTT, viễn thông chưa thật sự hiệu quả, trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa đồng đều, còn thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để từng cơ sở giáo dục kết nối vào hệ thống chung của thành phố thông minh...

Theo Đời sống
back to top