TPHCM sẽ "vây" khu trung tâm bằng 34 trạm thu phí để... chống ùn tắc?

(khoahocdoisong.vn) - Nếu đề xuất của Sở GTVT TPHCM được thông qua, thì từ năm 2021, các phương tiện ô tô khi đi vào khu vực trung tâm TP sẽ phải đóng phí từ 40.000đ - 60.000đ.

Dự án của sự “kiên trì”

Năm 2009, UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với ô tô ra vào khu trung tâm. Cách đây 2 năm, doanh nghiệp này tiếp tục đề xuất lập vành đai thu phí ô tô trong giờ cao điểm, với tổng mức đầu tư lên đến 1.660 tỷ đồng nhưng bị dư luận phản đối.

Mới đây, Sở GTVT TPHCM lại có văn bản đề xuất UBND TPHCM cho đầu tư 250 tỷ đồng từ ngân sách để xây 34 trạm thu phí ô tô vào khu vực trung tâm. Mục tiêu là nhằm kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm thành phố.

Theo đó, các trạm thu phí sẽ được xây tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.

Trao đổi với báo chí về đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM cho biết: “Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TPHCM ban hành một số loại phí. Trên cơ sở thống nhất của Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị thành phố, Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm và giao Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư. Đây là thời điểm phù hợp để Sở đề xuất dự án”.

So với đề xuất cách đây 2 năm, đề xuất lần này của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong không có nhiều khác biệt về phạm vi, địa điểm và số cổng thu phí. Điểm khác cơ bản là hình thức đầu tư và tổng mức đầu tư. Nếu như năm 2017, Công ty Tiên Phong đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thì nay Sở GTVT đề xuất chuyển hẳn sang hình thức đầu tư công.

“Giải pháp đã được giải quyết khi công nghệ thu phí nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) phổ biến, các trạm BOT trên toàn quốc đều áp dụng để thu phí không dừng. Các biện pháp chế tài xử lý các phương tiện không nộp phí cũng sẽ được giải quyết khi Bộ GTVT đang soạn dự thảo điều chỉnh luật và nghị định liên quan. Góp ý cho dự thảo này, Sở cũng đã kiến nghị bổ sung quy định phạt nguội đối với các phương tiện không nộp phí” - ông Đường cho biết thêm.

Giải thích về chênh lệch tổng mức đầu tư được kéo giảm từ 1.660 tỷ đồng xuống còn 250 tỷ đồng, ông Đường cho biết, con số mà nhà đầu tư đề xuất năm 2017 là tổng kinh phí trong vòng đời 15 năm của dự án, bao gồm cả chi phí lãi vay, bảo trì, thay thế thiết bị. Trong khi đó, Sở đề xuất 250 tỷ đồng dựa trên toàn bộ định mức đơn giá chi phí đầu vào như cổng thu phí, hệ thống đường truyền, chi phí thanh toán bù trừ… giống các trạm BOT đang thực hiện.

Lạ lùng phương án giảm… ùn tắc bằng thu phí

Cũng theo ông Ngô Hải Đường, thực tế hiện nay tình hình giao thông trong khu vực nội đô đã quá tải. Trong sáu tháng đầu năm, xe ô tô trên địa bàn thành phố tăng trên 15%. Ngoài việc mở đường, làm hạ tầng thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cũng được tính đến. Sở nhận thấy đã đến lúc phải bắt đầu nghiên cứu các giải pháp như thu phí ô tô vào khu vực trung tâm.

“Cần thấy rằng việc thu phí không giải quyết được bài toán ùn tắc mà phải tổng thể nhiều giải pháp song hành như phát triển giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng, metro, tổ chức giao thông, thu phí đậu xe dưới lòng đường… Đây chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp đi theo nó để hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng” - ông Đường nói.

Trong khi đó, dù đồng tình với chủ trương hạn chế xe vào trung tâm thành phố, một số chuyên gia đô thị không đồng tình với phương án lập vành đai thu phí. Lý do, dự án khó đạt mục tiêu chính là giảm ùn tắc giao thông, đồng thời việc thiết lập vành đai thu phí chỉ làm lợi cho những nhà cung cấp dịch vụ gắn chip, mà không khả thi về mặt kinh tế, và gây bất tiện cho người dân.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết: “TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, lượng xe vào nội thành không chỉ là xe của người dân thành phố mà là xe từ các tỉnh thành khác”.

“Để thu phí xe từ nơi khác vào trung tâm, cơ quan chức năng bắt buộc chủ xe phải gắn chip trong khi đây là quyền cá nhân của chủ xe. Nếu bắt buộc gắn chip nhưng chủ xe chỉ dùng một vài lần thì rất lãng phí”, KTS Nam Sơn phân tích.

Việc SởGTVT đề xuất vành đai thu phí dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia như Singapore, Thụy Điển, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi tham khảo kinh nghiệm thì cần có sự chọn lọc.

Singapore là đảo quốc, chip được bán cho tất cả xe trên toàn quốc nên xe vô trung tâm được quản lý là đương nhiên. Hay như Thụy Điển, các đô thị trung tâm được thu gọn lại nên việc lập vành đai thu phí tương đối thuận tiện. Tuy nhiên, KTS Nam Sơn cho rằng áp dụng cách làm này vào TP.HCM là không phù hợp.

Để giải quyết tình trạng xe vào trung tâm quá đông, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thay vì chọn giải pháp phức tạp như lập vành đai thu phí thì thành phố nên chọn giải pháp đơn giản như tăng phí đậu xe. Giải pháp này đã được TPHCM áp dụng từ tháng 8/2018 và phát huy hiệu quả, khi số lượng xe đến các bãi đậu xe này giảm hẳn.

Đây cũng là cách làm ở các thành phố như New York và Los Angeles (Mỹ) khi phí đậu xe ở khu trung tâm rất cao khiến người dân phải cân nhắc có nên đi xe hơi vào trung tâm hay không. Đồng thời, hệ thống vận tải hành khách công cộng được đầu tư bài bản, thuận tiện nên người dân có lựa chọn thay thế cho xe cá nhân.  

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (chuyên gia đô thị) cho rằng ý tưởng lập vành đai thu phí xe vào trung tâm được thành phố bàn từ lâu nhưng vẫn chưa thành hiện thực do đề án gặp nhiều phản ứng trái chiều từ phía người dân và chuyên gia. Do vậy, đề án lần này cần phải làm rõ các điểm mới và chứng minh được tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

Theo Đời sống
back to top