UBND TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng gấp 1,47 lần so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước tăng 2,3 lần). Với diễn tiến bệnh sốt xuất huyết hằng năm thì số ca mắc, tử vong có khả năng tăng cao trong thời gian tới.
Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết trước các tháng cao điểm trong năm, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế TP chủ động tham mưu các giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khả thi và bền vững. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đầy đủ thuốc men, dịch truyền, vật tư, hóa chất cho công tác phòng chống bệnh và điều trị bệnh nhân.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các trung tâm y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh từng địa phương. Phát hiện và xử lý các ca bệnh, ổ dịch kịp thời, đúng kỹ thuật, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Sốt xuất huyết là bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh. |
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết không nên tự ý điều trị tại nhà.. Ảnh: NHẬT THỊNH |
Còn đối với bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm do vi rút Marburg (ở dơi, động vật linh trưởng). Bệnh có thể lây từ động vật sang người, rồi từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do vi rút này.
Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỉ lệ tử vong cao (từ 50 - 88%). Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Để chủ động phòng chống bệnh Marburg không xảy ra trên địa bàn TP.HCM, UBND TP yêu cầu Sở Y tế TP tập trung giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ.
Lưu ý với những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch ở khu vực châu Phi thì phải cách ly 21 ngày.
Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg theo đúng quy định Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Virus Marburg thường xuất hiện ở loài dơi ăn quả Rousettus aegyptiacus tại Châu Phi. Ảnh: internet. |
Song song đó, xây dựng kế hoạch đáp ứng các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP.HCM, không để bị động, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp tiếp nhận, điều trị và phòng chống dịch./.