Dân chờ đợi mỏi mòn
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) rộng khoảng 427ha nằm giữa lòng TPHCM. Hiện nay bán đảo vẫn có quy hoạch "treo" gần 30 năm qua. Cảnh quan thường gặp tại đây là những ruộng lúa, ao, đầm, đối lập với những cao ốc, căn hộ, khu biệt thự villa phía bên kia sông Sài gòn thuộc khu vực Thảo Điền, Quận 2.
Bà T.T.L. (ngụ khu phố 1, phường 28, quận Bình Thạnh) cho biết, đa số người dân ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa đều là dân bản địa, sống trên mảnh đất này nhiều đời, nên có nhiều người sở hữu khá nhiều đất. Nhưng dù có đất rộng như thế nào thì dân ở đây vẫn rất nghèo khổ.
“Gần 30 năm qua, chúng tôi mong chờ thành phố thực hiện quy hoạch. Ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi chỉ mong muốn được chia đất đai cho con cái cất nhà ở hoặc bán để chúng nó có tiền ổn định cuộc sống thì có chết cũng không hối tiếc. Nhìn khu đất rộng cả ngàn mét vuông mọc đầy cỏ dại trong khi con cái đói khổ, tôi đau lòng lắm” - bà L. rưng rưng nói.
Cùng cảnh khó khăn như bà L., Bà N.T.U. (ngụ tại phường 28, quận Bình Thạnh) bức xúc: “Mấy chục năm qua chúng tôi sống khổ sở, vất vả. Nhiều gia đình đông con muốn tách thửa, xây nhà để ở riêng cũng không được, nhà xuống cấp muốn sửa cũng không xong. Riêng gia đình tôi muốn tách thửa để bán một phần đất lấy tiền trang trải cuộc sống mà có được đâu”.
Ông T.H.N. (ngụ tại khu phố 2, phường 28, quận Bình Thạnh) ví von, mấy chục năm nay Thanh Đa vẫn chỉ mãi là một làng quê giữa lòng siêu đô thị đang phát triển từng ngày, từng giờ.
“Chính quyền bảo chúng tôi đi họp, lấy ý kiến hết lần này đến lần khác, dân cũng phản ánh rất nhiều về vấn đề quy hoạch nhưng câu trả lời vẫn là cứ chờ đợi và dự án cứ thế “treo” suốt từ năm 1992 tới nay. Bây giờ, cứ nghe phường kêu đi họp để lấy ý kiến về dự án là đâm nản, hay nghe có nhà đầu tư nào đó cũng không còn háo hức như trước” - ông N. bày tỏ.
Từ năm 1992, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt, có tổng diện tích rộng hơn 427ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh), với dân số khoảng 45.000 người. Kể từ khi được phê duyệt đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này đã không thể triển khai được dự án. Đến năm 2010, chính quyền TPHCM đã thu hồi quyết định.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (một công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Nhưng đến giữa năm 2017, do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã xin rút lui khỏi dự án vì không đủ kiên nhẫn để chờ đợi bàn giao mặt bằng sạch, khiến dự án lại tiếp tục bị kéo dài.
Một góc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. |
Bỏ treo, dân mới "thở" được
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được đánh giá là nằm trong “đất vàng” khu vực hiếm hoi còn lại tại trung tâm TPHCM. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu cho 2 hạng mục ước tính khoảng 29.900 tỷ đồng (1,35 tỷ USD), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn tổng mức đầu tư khoảng 22.700 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 7.200 tỷ đồng (chưa tính đến toàn bộ tiền đầu tư xây dựng khu đô thị) và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2032. Tuy nhiên, từ khi chủ trương được phê duyệt thì đến nay dự án vẫn chưa thấy đâu, chỉ có hơn 3.000 hộ dân tại đây đang sống trong cảnh mòn mỏi, chờ đợi không biết đến khi nào dự án mới được triển khai. Hiện chỉ còn lại Tập đoàn Bitexco vẫn “ôm” dự án này và chờ đợi chủ trương của thành phố.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiện TPHCM có khoảng 600 quy hoạch phân khu 1/2.000. Những quy hoạch này đều có sự tư vấn, góp ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) trước khi các địa phương ký ban hành. Tuy nhiên, đa số quy hoạch đều rập khuôn vào ranh hành chính của từng quận huyện, cắt khúc. Điều này dẫn đến các đồ án quy hoạch khó thực hiện do không có nguồn lực cũng như không khả thi và dẫn đến quy hoạch “treo” là điều tất yếu.
Đáng nói, theo ông Châu, dù theo luật định kỳ 5 năm sẽ phải rà soát quy hoạch chung, 3 năm rà soát quy hoạch phân khu 1/2.000 và 10 năm rà soát quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ rà soát rất chậm, qua loa đại khái, không thực chất nên quy hoạch “treo” vẫn “treo” lưu cữu. Theo định hướng của Sở QH&KT, trong số 600 quy hoạch phân khu sẽ tích hợp lại còn hơn 200. Đây là việc làm cần thiết, nhưng phải ấn định thời gian thực hiện, không thể kéo dài. Đồng thời khi rà soát, những khái niệm không phù hợp như đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp phải bỏ.
“Đây là trách nhiệm của Sở QH&KT, của UBND các quận huyện. Rà soát lại phải dựa trên tổng thể kinh tế, xã hội của thành phố và của các quận huyện, phải lấy ý kiến cũng như nắm rõ tâm tư nguyện vọng và quyền lợi của người dân. Vai trò của Sở QH&KT là quan trọng nhất trong vấn đề xóa dự án treo”, ông Châu nói.
KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, việc rà soát không hiệu quả bởi đánh giá rất phức tạp và chưa có một đơn vị “chủ xị” việc này. “Hiện nay, trong khi chờ quy hoạch, phải có chính sách giải quyết quyền lợi của người dân. Nếu chưa thu hồi đất, phải cho người dân thực hiện quyền của mình là được xây dựng, mua bán, được cấp sổ hồng. Đến khi thu hồi, bồi thường phải theo giá thị trường, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân”, ông Mười đề xuất.